Tim phổi bị bóp nghẹt, đẩy lệch vì mang "lồng ngực phễu"

Vân Sơn

(Dân trí) - Nam thanh niên thường xuyên bị đau tức ngực, khó thở mỗi khi gắng sức. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định bệnh nhân mang "lồng ngực phễu" khiến trái tim và chức năng hô hấp bị đẩy lệch, bóp nghẹt.

Đó là trường hợp của nam thanh niên L.H.K. (SN: 2000, ngụ tại Cà Mau) được tiếp nhận, điều trị tại một bệnh viện tư trên địa bàn TPHCM. Thời điểm bệnh nhân nhập viện, bác sĩ thăm khám và ghi nhận tình trạng lồng ngực bị lõm sâu, có thể chứa được cả ly nước mà chưa tràn ra ngoài.

Tim phổi bị bóp nghẹt, đẩy lệch vì mang lồng ngực phễu - 1

Lồng ngực bệnh nhân lõm sâu, có thể chứa cả ly nước mà không tràn ra ngoài.

Khai thác bệnh sử từ phía gia đình ghi nhận, khi còn nhỏ cơ thể H.K. không có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, càng lớn lồng ngực bệnh nhân càng bị lõm sâu. Khoảng 2 năm trước, tình trạng sức khỏe diễn tiến xấu với các biểu hiện tức ngực, khó thở khi gắng sức. Gia đình đã đưa bệnh nhân đi thăm khám, điều trị.

Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị lõm xương ức hay còn gọi "ngực phễu". Đây là một biến dạng do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức, gây ra tình trạng ngực lõm xuống. Dị tật thường khó phát hiện ở độ tuổi sơ sinh, có tỷ lệ nam nhiều hơn nữ. Triệu chứng lõm sẽ bắt đầu rõ ràng theo thời gian khi cơ thể bắt đầu phát triển nhanh ở tuổi dậy thì cho đến tuổi thanh niên.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Cao Minh Thông, khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực cho biết, do tình trạng xương ức bệnh nhân bị ép về phía sau quá mức gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với chức năng tim và phổi. Bệnh nhân thường có các triệu chứng điển hình như khó thở, tức ngực, vùng ngực hiển thị rõ vết lõm sâu làm mất thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp và sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí và sức khỏe.

Tim phổi bị bóp nghẹt, đẩy lệch vì mang lồng ngực phễu - 2
Bệnh nhân được các bác sĩ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi, dùng thanh kim loại nâng ngực lõm thành công.

Nguy hiểm hơn, dạng ngực phễu ở bệnh nhân gây ép tim và phổi do vết lõm đè lên đẩy lệch tim. Tình trạng này ảnh hưởng đến chức năng hô hấp do bị giới hạn về thể tích lồng ngực, lồng ngực không giãn nở đủ tốt để đảm bảo thể tích cho phổi, làm giảm lượng không khí người bệnh có thể hít vào.

Để tránh những tai biến nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi, tạo hình lồng ngực bằng thanh nâng kim loại (phương pháp Nuss) có chức năng nâng và cố định lồng ngực. Sau phẫu thuật, lồng ngực bệnh nhân đã có hình dạng bình thường, không bị dẹt. Việc rút thanh nâng ngực, tùy theo lứa tuổi, sẽ được tiến hành sau 2 năm, khi bác sĩ thăm khám, đánh giá cụ thể tình hình của người bệnh.

Theo BS Thông, diễn tiến tự nhiên của lõm ngực không thể tự khỏi và có xu hướng nặng dần lên, đặc biệt phát triển nhanh ở tuổi dậy thì, do quá trình phát triển cùng sự cứng dần của xương và sụn. Bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ khi thấy con mình có những biểu hiện bất thường ở ngực nên nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám tại các bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh các biến chứng về sức khỏe do tình trạng lõm ngực gây ra.