Tiểu ra máu nhưng không đau: Đừng chủ quan!

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính của cơ quan tiết niệu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, hay gặp ở nam hơn ở nữ.

Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp ở cơ quan tiết niệu sinh dục (bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo…). Tính chung cho tất cả các loại ung thư, tỷ lệ mắc ung thư bàng quang đứng hàng thứ 4 ở nam giới và đứng hàng thứ 7 ở nữ giới. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao gấp 3 lần ở nữ.

Tiểu ra máu nhưng không đau: Đừng chủ quan! - 1

Người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao gấp 4 lần người không hút; những tác nhân gây ung thư như hóa chất amin thơm có trong các nghề nghiệp liên quan như: hóa chất, thuộc da, sơn, nhuộm… khiến những người làm nghề cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Các triệu chứng của bệnh

Ung thư bàng quang nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có tỷ lệ khỏi bệnh cao. Triệu chứng tiểu máu toàn bãi (từ đầu đến cuối bãi đi tiểu), có thể kèm theo máu cục, nhưng lại không đau buốt có thể là biểu hiện duy nhất của bệnh ở giai đoạn sớm. Đôi khi khối u trong bàng quang lại được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe.

Khi khối u phát triển đến giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị tiểu máu thường xuyên, tiểu khó do khối u to chèn ép, người gầy sút cân, nổi hạch bẹn 2 bên…

Do vậy, nếu bị tiểu máu bệnh nhân lập tức phải đi khám ngay để chẩn đoán loại trừ các bệnh lý đường tiết niệu như: u thận - u bể thận, u niệu quản, u bàng quang, viêm bàng quang hay bị sỏi tiết niệu…

Tuy nhiên, tốt nhất người dân cần khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện u bàng quang khi chưa có biểu hiện gì ra bên ngoài. Siêu âm là phương pháp đơn giản, nhanh chóng, rẻ tiền và hiệu quả phát hiện các tổn thương ở bàng quang; cần lưu ý là phải nhịn đi tiểu cho bàng quang căng lên.

Tuy vậy, siêu âm vẫn chưa phải là chẩn đoán quyết định u bàng quang, mà phải thông qua nội soi bàng quang chẩn đoán. Đây là thủ thuật đặt máy nội soi qua niệu đạo, có thể gây đau, khó chịu, xước niệu đạo hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Do vậy, chỉ khi siêu âm có u bàng quang hoặc nghi ngờ u, người bệnh mới được chỉ định nội soi bàng quang chẩn đoán quyết định.

Ngoài ra, chụp cắt lớp vi tính cũng có vai trò quan trọng trong chẩn đoán ung thư bàng quang vì có thể đánh giá được sự xâm lấn của khối u ra ngoài bàng quang, di căn hạch của ung thư bàng quang…

Sau chẩn đoán u bàng quang, chẩn đoán tiếp theo phải làm là chẩn đoán u lành tính hay u ác tính (ung thư bàng quang, chiếm hơn 90% các u bàng quang), nếu là u ác tính thì giai đoạn bệnh là sớm (ung thư nông - chỉ ở bề mặt niêm mạc bàng quang) hay muộn (ung thư sâu - đã lan đến lớp cơ của bàng quang). Hai chẩn đoán tiếp theo được thông qua phẫu thuật nội soi cắt u bàng quang qua niệu đạo.

Điều trị ung thư bàng quang như thế nào?

Với những trường hợp u bàng quang mới phát hiện lần đầu, phẫu thuật nội soi cắt u bàng quang vừa là phương pháp chẩn đoán (lấy mẫu u bàng quang làm giải phẫu bệnh, xem u là lành tính hay ác tính - ung thư bàng quang), vừa là phương pháp điều trị (loại bỏ khối u).

Với các trường hợp kết quả giải phẫu bệnh là u bàng quang lành tính, việc điều trị hoàn thành và người bệnh được hướng dẫn theo dõi tái khám định kỳ.

Với các trường hợp kết quả giải phẫu bệnh là ung thư bàng quang nông, việc điều trị cần được tiếp tục sau mổ nội soi từ 2 đến 3 tuần bằng liệu pháp bơm hóa chất chống u tái phát vào trong bàng quang, mỗi tuần một lần, liên tiếp trong 6 đến 8 tuần.

Với các trường hợp kết quả giải phẫu bệnh là ung thư bàng quang xâm lấn cơ bàng quang, phương pháp điều trị tốt nhất là cắt toàn bộ bàng quang, tạo hình bàng quang mới bằng chính ruột non của người bệnh; có thể điều trị hỗ trợ trước hoặc sau mổ bằng truyền hóa chất toàn thân (nếu thể trạng bệnh nhân cho phép).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm