Tại sao phụ nữ không hút thuốc mà vẫn có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao?
(Dân trí) - Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư phổi những năm gần đây tăng nhanh hơn so với nam giới, ngay cả khi họ không hút thuốc.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Stanford và Đại học California (Mỹ) đã công bố về các yếu tố tiềm ẩn gây ra ung thư phổi ở nữ giới. Họ đã tìm thấy một số điểm khác nhau giữa phụ nữ và đàn ông, bao gồm sự phát triển ung thư phổi, quá trình sàng lọc, kết quả chẩn đoán lâm sàng và tác dụng phụ của việc điều trị.
Các mầm mống ung thư phổi ngoài hút thuốc lá
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), một số hợp chất phóng xạ trong đất, đá, nước và radon là nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư phổi ở những bệnh nhân không có tiền sử hút thuốc.
Một phân tích được tổng hợp từ 37 nghiên cứu cho thấy rằng, 24% nữ giới không hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư phổi nếu bị tiếp xúc với khói thuốc từ những người xung quanh. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nước ta rất cao, ước tính 67,6% người bị phơi nhiễm khói thuốc tại nhà và 49% tại nơi làm việc. Ung thư phổi bắt nguồn từ tình trạng này thường gặp ở phụ nữ cao gấp đôi so với nam giới.
Ngoài ra, khói từ hoạt động nấu ăn cũng góp phần làm tăng tỷ lệ ung thư phổi ở nữ giới. Delphine Farmer, một nhà hóa học tại Đại học bang Colorado (Mỹ) cho biết rằng, việc nấu ăn sẽ giải phóng hàng trăm hợp chất hóa học độc hại khác nhau vào không khí. Ví dụ như protein trong thịt bị phân hủy sẽ tạo ra amoniac, chiên đồ ăn có thể tạo ra isocyanates, dầu ăn cháy dẫn đến sự hình thành hydrocacbon thơm đa vòng (chất gây ung thư hàng đầu),…Các phân tử này trong không khí có thể tiếp tục phản ứng khi chúng bay xung quanh nhà bếp và va vào nhau.
Một số nguyên nhân khác có thể kể đến đó là sự mất cân bằng nội tiết tố estrogen trong cơ thể, tiền sử mắc bệnh phổi mãn tính hay yếu tố di truyền. Theo đó, phụ nữ tiền mãn kinh có thể diễn biến bệnh ung thư phổi nặng hơn phụ nữ đã mãn kinh. Các bệnh nhân "sống chung" với bệnh lý về phổi như tắc nghẽn mãn tính, nhiễm trùng,… hoặc có người thân mắc ung thư phổi cũng có khả năng cao bị căn bệnh này.
Loại ung thư phổi thường gặp ở phụ nữ
Nếu nam giới thường mắc ung thư phổi tế bào vảy (một dạng của ung thư tế bào nhỏ) thì ở nữ giới, loại ung thư phổi phổ biến nhất là ung thư tuyến. Ngoài ra, ung thư biểu mô vách phế nang (BAC), một dạng hiếm của ung thư phổi, cũng xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Tỷ lệ mắc BAC hiện đang gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở những phụ nữ trẻ không hút thuốc.
Các triệu chứng ung thư phổi thường gặp ở phụ nữ
Ở nam giới, ung thư phổi tế bào vảy thường phát triển gần đường hô hấp, do đó dấu hiệu thường gặp là ho dai dẳng và ra máu. Tuy nhiên đối với phái nữ, các tế bào ung thư thường phát triển ở các vùng ngoài phổi. Những khối u này có thể tăng trưởng khá nhanh và lây lan trước khi chúng gây nên những bất thường trên cơ thể. Các triệu chứng thường gặp là mệt mỏi, khó thở, tức ngực, thậm chí, đau lưng và ngực nếu ung thư phổi đã di căn đến xương.