1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tiêu chảy cấp vì bánh gato, bánh mỳ

Nhân sinh nhật bạn trai, chị M. đi mua 1 chiếc bánh ga tô trên đường Trần Nhân Tông để chúc mừng. Thật bất ngờ, sau khi ăn bánh, chị M. phải cùng người yêu đón sinh nhật trong bệnh viện vì bị tiêu chảy cấp.

Bệnh nhân tiêu chảy cấp vẫn liên tục gia tăng và không loại trừ ai. Từ cụ già, thanh niên, trẻ em, phụ nữ mang thai... thuộc đủ các thành phần nghề nghiệp công chức, học sinh sinh viên, lao động tự do, hưu trí, nội trợ... đều có thể mắc. Chúng tôi đã tìm hiểu thói quen ăn uống, sinh hoạt, nơi sinh sống của các bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm, để bạn đọc tham khảo và tìm cách phòng bệnh cho chính mình và người xung quanh.

 

Từ thịt chó, rau sống...

 

Ông Trần Văn C., 57 tuổi, ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội phải vào Bệnh viện E. trong tình trạng cấp cứu, tứ chi co quắp, bụng đau quằn quại. Lúc đầu, ông C. bị tiêu chảy cấp, cứ cách 1 tiếng lại đi vệ sinh, sau đó thì nôn thốc tháo, người mệt lả vì mất nước, ông và gia đình chỉ nghĩ bị tiêu chảy thông thường, nôn và đi ngoài được thì sẽ khỏi bệnh.

 

Nhưng sau đó, ông C. không đỡ bệnh, mà còn bị đau cơ, đau bụng dữ dội hơn, người nhà hốt hoảng gọi xe cấp cứu 115. Kết quả xét nghiệm cho thấy, ông đã bị nhiễm phẩy khuẩn tả. Ông C. cho biết, trước hôm phát bệnh, ông có đi ăn thịt chó, mắm tôm, rau sống cùng mấy người bạn, ngoài ra, ông chỉ ăn các món thông thường hàng ngày.

 

Còn anh Nguyễn Hồng Sơn, ở Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân - Hà Nội cho biết, hôm đó, nhà anh có mua thịt chó ở chợ gần nhà về ăn. Ngày hôm sau, vợ chồng anh và cậu con trai ăn phở ở một quán quen gần nhà.

 

Đến tối thì cả nhà anh bị tiêu chảy nặng tới mức phải nhập Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Nhiều khả năng gia đình anh Sơn bị nhiễm phẩy khuẩn tả từ thịt chó, vì đó là bữa thức ăn lạ duy nhất mà cả nhà cùng ăn. 

 

Có tới 50 - 70% bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đợt dịch này có liên quan tới thịt chó, rau sống. Đặc biệt, những bệnh nhân đầu tiên nhập viện đợt dịch thì con số này lên tới 100%. Có lẽ bất cứ ai đều không muốn đứng quá 5 phút trong phòng bệnh thuộc khu vực cách ly tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia trong những ngày này.

 

Bởi không khí ngột ngạt đông người, mùi thuốc tẩy trùng và mùi bệnh phẩm khá khó chịu. “Sợ quá là sợ!”, chị Hoàng Thị Hải, ở Hàng Bột, Đống Đa, người đang chăm chồng bị tiêu chảy phân trần với chúng tôi, “Trước đây, tôi cứ tưởng tiêu chảy là bệnh bình thường, vào viện cầm bệnh được là về. Nhưng nhà tôi cứ cách 2 tiếng lại đi ngoài rồi nôn, phải thay bỉm luôn chân luôn tay... Từ nay có thèm thịt chó mấy chắc cũng phải mua về nấu lại, chứ không dám tiện đâu ăn đấy nữa”.

 

... Đến những món ăn ít ngờ nhất

 

Không chỉ có những người ăn thịt chó, rau sống ở ngoài hàng quán hay mua ở chợ, mới bị mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm. Trong đợt dịch này, có cả một số bệnh nhân bị tiêu chảy vì những món ăn ít nghi ngờ nhất.

 

Chị Nguyễn Thu Huệ, 25 tuổi, ở Hoàng Mai cho biết, chị vốn rất giữ gìn và cẩn thận trong chuyện ăn uống, vì chị đang mang thai tháng thứ tư. Nhưng chỉ vì 1 bữa mua vó bò chế biến sẵn về ăn, chị bị tiêu chảy cấp tới 30 lần/ngày, kèm theo nôn, đau bụng, người mệt lả đến mức không đứng dậy được. Gia đình chị rất lo lắng cho cháu bé trong bụng chị. Sau hai ngày nhập viện, tình trạng bệnh của chị đã ổn định, nhưng vẫn cần phải theo dõi đặc biệt, vì lượng nước mất do tiêu chảy có thể gây thiếu nước ối và ảnh hưởng tới thai nhi. 

 

Cùng cảnh "dở khóc dở cười" như chị Huệ, chị Nguyễn Thị M., 25 tuổi, ở quận Đống Đa không thể ngờ mình bị nhiễm khuẩn tả từ… món quà tặng người yêu. Nhân sinh nhật bạn trai, chị M. đi mua 1 chiếc bánh ga tô trên đường Trần Nhân Tông để chúc mừng. Thật bất ngờ, sau khi ăn bánh, chị M. phải cùng người yêu đón sinh nhật trong bệnh viện vì bị tiêu chảy cấp. Hay anh H., 46 tuổi, ở Hoài Đức - Hà Nội, chỉ ăn cơm nhà và bánh mỳ chấm sữa cũng phải vào viện cấp cứu vì tiêu chảy cấp.

 

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Khả năng khuẩn tả bám trên bánh ga tô, bánh mỳ hay lẫn vào sữa, khiến người ăn bị nhiễm bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu nguồn thực phẩm, nơi chế biến, người chế biến không đảm bảo vệ sinh, thì vi khuẩn có thể lây lan trên mọi loại thức ăn, chứ không riêng gì các thực phẩm nguy cơ cao như thịt chó, rau sống". Trong khi đợi các chuyên gia tìm ra căn nguyên gây phát tán mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm trong đợt dịch này, thì việc mỗi người tự giữ vệ sinh ăn uống để phòng bệnh cho chính mình là hết sức quan trọng

 

Theo Thanh Loan

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm