1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Tiêm kháng sinh vào bắp dễ gây tàn phế

Tại Việt Nam hiện có hàng nghìn trẻ em bị xơ hóa cơ, thậm chí liệt một tay do tiêm kháng sinh vào bắp. Mặc dù Tổ chức y tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ này từ cách đây 20 năm nhưng đến nay, nhiều nhân viên y tế vẫn tiêm kháng sinh vào bắp cho trẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Chỉnh hình Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, biểu hiện xơ hóa xuất hiện ở ngay chỗ bị tiêm kháng sinh.

Nếu tiêm vào mặt ngoài đùi thì xơ hóa cơ tứ đầu đùi, khiến gối không gấp được, luôn duỗi thẳng (cứng duỗi khớp gối). Tiêm mặt trước đùi sẽ gây hạn chế vận động khớp hông, chân đi kiểu vạt tép (xơ hóa cơ thẳng đùi). Tiêm vào mặt sau cánh tay sẽ gây xơ hóa cơ tam đầu cánh tay, khiến khớp khuỷu luôn duỗi thẳng không gấp được (cứng duỗi khớp khuỷu). Nếu tiêm vào vùng cơ Delta thì tay không thể khép được vào thân, thậm chí sai khớp vai, biến dạng lồng ngực (xơ hóa cơ Delta). Xơ hóa cơ Delta còn gặp cả ở người lớn sau khi tiêm kháng sinh vào cơ.

Ngay sau khi tiêm, đa phần bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau nên bác sĩ và người nhà không để ý. Thường 6 tháng sau khi tiêm, bệnh bắt đầu xuất hiện và ngày một nặng lên. Không phải trường hợp nào tiêm kháng sinh trong cơ cũng bị mắc bệnh này, nhưng ai đã mắc thì thường có di chứng nặng nề.

Hiện nay, sinh viên y tế tại Việt Nam đều được học tiêm kháng sinh vào cơ hoặc tĩnh mạch. Nhưng cán bộ y tế thường tiêm cho trẻ em vào cơ vì nếu tiêm tĩnh mạch cho trẻ rất khó, nhiều khi lại không có kim nhỏ. Mặt khác, việc tiêm tĩnh mạch có thể gây dị ứng, sốc, dẫn đến tử vong nên họ ngại.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng cũng cho biết, xơ hóa cơ : nếu không được phát hiện kịp thời sẽ tiến triển ngày một nặng như ưỡn gối ra sau, sai khớp xương bánh chè, cánh tay teo nhỏ, mất hoàn toàn khả năng vận động, biến dạng lồng ngực, xương bả vai nhô cao... Việc điều trị các biến chứng này rất khó khăn.

Theo ông Hưng, trẻ em nên dùng kháng sinh theo đường uống; nếu cần tiêm thì nên tiêm vào đường tĩnh mạch (nên chọn người có kinh nghiệm vì tiêm kiểu này khó).

Theo Sức Khỏe & Đời Sống