1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tiêm chủng bạch hầu chậm tiến độ vì dịch Covid-19

(Dân trí) - Tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu trong 6 tháng đầu năm tại TP HCM bị chậm 15% so với tiến độ cần đạt vì dịch Covid-19. Để bảo vệ thành quả tiêm chủng, chiến dịch tiêm bù sẽ được ngành y tế thực hiện.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 68 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 3 ca tử vong. Số ca mắc bệnh bạch hầu đã tăng gấp 3 lần năm ngoái, dịch bạch hầu đang lan rộng tại 4 tỉnh Tây Nguyên, dự báo thời gian tới sẽ còn diễn biến phức tạp vì khu vực trên có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp.

Các thành phố lớn, mật độ dân số đông, nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng cũng ở mức đáng lo ngại khi tỷ lệ tiêm chủng không đạt mục tiêu để ra. Cụ thể, trên địa bàn TP HCM sau nhiều năm “vắng bóng” bệnh bạch hầu đã quay lại tấn công nam học viên 20 tuổi khiến người bệnh phải chuyển tới Bệnh viện Quân Y 175 theo dõi, điều trị. 

Tiêm chủng bạch hầu chậm tiến độ vì dịch Covid-19 - 1

Tất cả trẻ em từ 2 tháng đến 18 tháng tuổi cần được chích 4 mũi vắc xin cơ bản phòng bệnh bạch hầu và các loại bệnh khác

Đáng lưu ý, thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM trong 6 tháng đầu năm cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu cho trẻ sinh năm 2019 đã bị chậm khoảng 15% so với tiến độ cần đạt. Tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu được tính theo tỷ lệ bao phủ đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản ở trẻ dưới 1 tuổi. Trên địa bàn thành phố, hàng năm, tỷ lệ này đều đạt hơn 95% số trẻ chích ngừa chỉ đạt khoảng 80% sẽ ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh dịch bạch hầu đang lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành khác. 

Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP HCM cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ lệ chích ngừa bạch hầu ở trẻ không đạt mục tiêu đề ra là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay khiến phụ huynh có tâm lý ngại đưa trẻ đến nơi đông người nên không đưa con đi tiêm chủng. Cha mẹ hoặc người chăm sóc bận rộn không đưa trẻ đi tiêm. Bên cạnh đó cũng có trường hợp cha mẹ trẻ trì hoãn tiêm chủng vì đợi tiêm vắc xin dịch vụ.

Bạch hầu là bệnh nguy hiểm, người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ mắc. Những năm gần đây cả nước đã xảy ra các vụ dịch bạch hầu rải rác tại một số địa phương. Nhiều ca bệnh là trẻ lớn ngoài độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và người lớn. Phân tích chuyên môn của BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM chỉ ra: “Nguy hiểm sau khi nhiễm bệnh ở cả người lớn và trẻ em đều như nhau. Tuy nhiên, trẻ nhỏ khi nhiễm bạch hầu thường đối mặt với biến chứng cao hơn vì sức đề kháng của trẻ yếu, các dấu hiệu ban đầu thường bị bỏ qua khiến vi khuẩn chuyển sang giai đoạn tiết độc tố tấn công cơ thể”.

Tiêm chủng bạch hầu chậm tiến độ vì dịch Covid-19 - 2
Chích ngừa đầy đủ là giải pháp an toàn để bảo vệ con trẻ trước nguy cơ dịch bệnh

Biện pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất hiện nay là chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ. Ngoài việc tiêm đủ các mũi cơ bản, các hướng dẫn trên thế giới đều khuyến cáo tiêm nhắc để phòng bệnh bạch hầu. Mũi tiêm nhắc cho trẻ lớn (trẻ chuẩn bị đi học) và người lớn sẽ giúp giảm nguồn lây cho trẻ nhỏ và giảm tỷ lệ mắc bệnh ở cộng đồng. BS Hữu Khanh khuyến cáo, trẻ nhỏ cần được chích đủ 4 mũi cơ bản phòng bạch hầu trong thời gian từ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi, chích nhắc lần 1 khi trẻ được 4 đến 5 tuổi, chích nhắc lần 2 khi trẻ được 8 đến 9 tuổi, sau đó mỗi 10 năm chích nhắc một mũi.

Theo nhận định của BS Hữu Khanh, dịch bạch hầu khó có thể bùng phát mạnh như các loại bệnh do siêu vi. Tuy nhiên, đây là loại bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Phát hiện sớm, sử dụng thuốc kháng độc tố bạch hầu là giải pháp cơ bản giúp bệnh nhân tránh được biến chứng nguy hiểm tính mạng. Ngoài việc chích ngừa, những người sống trong vùng có ca bệnh xuất hiện cần mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.

Tiêm chủng bạch hầu chậm tiến độ vì dịch Covid-19 - 3
Người lớn cần phải chích nhắc mỗi 10 năm 1 lần để phòng bệnh bạch hầu

Để lấp khoảng trống miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu do tỷ lệ tiêm chủng không đạt mục tiêu, dự kiến thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM sẽ tổ chức rà soát cập nhật mũi tiêm, quản lý và mời trẻ tiêm chủng; tiêm bù cho trẻ trong nhóm đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đảm bảo an toàn trong phòng lây nhiễm Covid-19 ở tất cả cơ sở tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng.

Hiện nay, vắc xin phòng bệnh bạch hầu đối với hình thức tiêm chủng miễn phí chỉ áp dụng cho trẻ dưới 4 tuổi. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật khuyến cáo, trẻ trên 4 tuổi và người lớn có thể đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn, sử dụng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu phù hợp với độ tuổi và tiền sử tiêm chủng. 

Vân Sơn