Vì sao dịch bạch hầu “hoành hành” ở Tây Nguyên?

(Dân trí) - Tới thời điểm hiện tại, 4/5 tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận các ca bạch hầu và số lượng tăng theo từng ngày. Trong đó, Đắk Nông là tỉnh đầu tiên ghi nhận ca nhiễm sau 16 năm kể từ khi thành lập.

Mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng!

Sáng ngày 8/7, tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm của tỉnh Đắk Nông, ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, tới ngày 8/7, tỉnh này ghi nhận 28 ca dương tính với bạch hầu tại 8 ổ dịch, trong đó có 2 ca tử vong

Tại “điểm nóng” thứ 2 của Tây Nguyên- tỉnh Kon Tum, đến ngày 7/7 đã có 23 ca dương tính với bệnh bạch hầu tại các huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy.

Vì sao dịch bạch hầu “hoành hành” ở Tây Nguyên? - 1

4/5 tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận các ca nhiễm bạch hầu từ tháng 6/2020

Tương tự, địa bàn Gia Lai ghi nhận tất cả 16 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong. Tỉnh Đắk Lắk là địa phương thứ 4 của Tây Nguyên khi phát hiện ca bạch hầu đầu tiên vào chiều ngày 7/7.

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết bạch hầu xuất hiện ở Tây Nguyên từ năm 2013, đầu tiên là ở huyện K’Bang (tỉnh Gia Lai). Hiện nay, 4/5 tỉnh của Tây Nguyên đã xuất hiện bệnh bạch hầu, với tổng số 62 ca dương tính.

Vì sao dịch bạch hầu “hoành hành” ở Tây Nguyên? - 2

Tới thời điểm hiện tại, bạch hầu xuất hiện phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS

Lý giải về việc bạch hầu “tái xuất” và đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông cho biết, bạch hầu là bệnh chưa thanh toán tại Việt Nam, vẫn tồn tại vi khuẩn ngoài cộng đồng. Thực tế tại tỉnh Đắk Nông đã chứng minh, cả 5 ca phát hiện mới đây sức khỏe hoàn toàn bình thường nhưng vẫn mang vi khuẩn bạch hầu trong người.

“Khác với dịch Covid- 19, chúng ta không nhất thiết phải truy vết ca F0, tức là ca dương tính bạch hầu đầu tiên. Bởi có trường hợp những người lành mang trùng, không có biểu hiện của bệnh bạch hầu. Tồn tại vi khuẩn bạch hầu ngoài cộng đồng. Quan trọng nhất là tìm ra ca mắc để điều trị kịp thời”, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông nhận định.

Vì sao dịch bạch hầu “hoành hành” ở Tây Nguyên? - 3

Vi khuẩn bạch hầu hiện đang tồn tại sẵn trong cộng đồng, nhất là nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp

Tương tự, ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cũng nhận định, việc truy tìm ca F0 là không cần thiết vì người bị bệnh mắc tại chỗ, trong cộng đồng có những người lành mang trùng. Họ được gọi là người dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

“Dương tính với bạch hầu chưa chắc sẽ mắc bệnh. Bác sĩ cần kết hợp kết quả xét nghiệm dương tính với các triệu chứng của bệnh như ho, sốt, đau họng, hầu họng có màng trắng… để kết luận người đó có mắc bệnh bạch hầu hay không”, ông Nam nhấn mạnh.

Các ca tử vong đều phát hiện muộn

Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đánh giá, tại Đắk Nông, quá trình sàng lọc phát hiện các ca người lành mang trùng, không có một biểu hiện bệnh. Nếu những người này di chuyển tới vùng miễn dịch tốt thì không sao nhưng tới vùng lõm tiêm chủng, gặp những người không có miễn dịch thì sẽ lây lan bệnh.

“Việt Nam tổ chức tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, trong tiêm chủng có tỉ lệ không đáp ứng miễn dịch, nên mới xảy ra tình trạng người tiêm vẫn mắc bệnh. Ở các tỉnh Tây Nguyên, có quá nhiều vùng lõm về tiêm chủng, có đến 92% số người bị bệnh bạch hầu là người đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Chiến cho hay.

Vì sao dịch bạch hầu “hoành hành” ở Tây Nguyên? - 4

Người dân ký giấy cam kết không tiêm chủng

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cũng cho rằng, 3 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu vừa qua tại Tây Nguyên có nguyên nhân do phát hiện muộn. Đối với các trường hợp phát hiện sớm, chỉ cần điều trị 3 đến 5 ngày là âm tính với bạch hầu.

Dẫn chứng thêm về điều này, ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, tại những điểm bùng phát dịch bạch hầu, phần lớn là cộng đồng người H’Mông di cư từ phía Bắc vào Đắk Nông. Ý thức người dân hạn chế, nhất là sự hợp tác y tế không cao, thậm chí người dân còn ký giấy cam kết không tiêm chủng vắc xin.

“Khi cán bộ y tế vào tận các cụm dân cư, mang cả vắc xin vào đó để tiêm nhưng người dân từ chối vì cho rằng chích về bị sốt, thế này thế kia… Họ chỉ quan tâm đi rẫy, đi nương. Khi nào nhớ thì tiêm, không nhớ thì thôi. Có trường hợp người dân viết giấy cam kết không tiêm chủng dù đã được vận động”, ông Hùng kể lại.

Vì sao dịch bạch hầu “hoành hành” ở Tây Nguyên? - 5

Khi cán bộ y tế vào tận các cụm dân cư, mang cả vắc xin vào đó để tiêm nhưng người dân từ chối

Ông Hùng đánh giá, tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, người dân không tham gia tiêm chủng trong độ tuổi thường xuyên, tạo thành những vùng lõm tiêm chủng, miễn dịch trong cộng đồng không có nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bạch hầu hoành hành trở lại tại tỉnh Đắk Nông

Trước tình hình số ca mắc bạch hầu gia tăng, ngành y tế tỉnh Gia Lai đã gửi công văn đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ 100.000 liều vắc xin Td (uốn ván, bạch hầu). Ngay sau đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên gửi khẩn cấp cho tỉnh Gia Lai 5.000 liều vắc xin để tiêm chủng cho toàn bộ người dân xã Hải Yang - nơi đang diễn ra dịch bệnh bạch hầu.

Vì sao dịch bạch hầu “hoành hành” ở Tây Nguyên? - 6

Các địa phương Tây Nguyên đang “căng mình” khống chế dịch

Tương tự, tại tỉnh Kon Tum cũng đang tập trung tiêm vắc xin phòng chống bạch hầu cho người dân tại các ổ dịch mới phát hiện tại tỉnh này. Tuy nhiên, việc tiêm chủng gặp khó khăn khi có tình trạng người dân “né tránh”, bận đi làm nương rẫy.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu trước tình hình bệnh bùng phát, lây lan nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các Sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Tổ chức việc giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Vì sao dịch bạch hầu “hoành hành” ở Tây Nguyên? - 7

Hàng ngàn hộ dân đang được cách ly để phòng chống dịch bạch hầu tại Tây Nguyên

Bên cạnh đó cần xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

Dương Phong- Thúy Diễm- Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm