Tia cực tím ở mức nguy hiểm, chống nắng thế nào cho hiệu quả?

(Dân trí) - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mức UV 8-10, thời gian gây bỏng cho da là 25 phút. Đặc biệt, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10-16h.

Trong khi đó, thời điểm hiện tại, nhiệt độ ngoài trời của Hà Nội trên 38 độ, nắng gắt. Tại TP Hồ Chí Minh cũng đang nắng nóng. Hệ thống dự báo của Weather (Anh) đưa ra cảnh báo nguy hiểm liên quan đến chỉ số tia cực tím (UV) tại TP HCM hiện tại là ở ngưỡng gây hại cho sức khoẻ, ở mức số 10.

Tia cực tím ở mức nguy hiểm, chống nắng thế nào cho hiệu quả? - 1

Tia UV gây hại nhất từ 10-16 giờ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mức UV 8-10, thời gian gây bỏng cho da là 25 phút. Đặc biệt, ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10-16h.

Đi đường trong khoảng thời gian này, bạn đang "nướng da" cho ánh mặt trời, không chỉ làm đen sạm da mà gây nhiều nguy hại cho da như bỏng, nguy hại cho sức khoẻ như sốc nhiệt. Vậy đối phó với tia cực tím gây hại như thế nào?

Hãy nhớ áo chống nắng, mũ rộng vành, kính bảo vệ mắt

Theo BS Trịnh Minh Trang – Khoa Laser và Săn sóc da, BV Da liễu Trung ương, trong mùa hè, đó là những "phụ tùng" không thể thiếu không riêng gì với phụ nữ mà với cả đàn ông.

Đây là biện pháp chống nắng cơ học hiệu quả, rẻ tiền mà ai cũng làm được. Theo đó, khi đi ra ngoài trời nắng, hãy mặc áo dài tay, đeo khẩu trang, đội mũ rộng vành, đeo kính râm. Điều này sẽ góp phần ngăn cản sự tác động của tia cực tím UV tới làn da.

Nó còn mang ý nghĩa lớn lao hơn khi giúp bạn có nguy cơ phòng nguy cơ sốc nhiệt do nắng nóng. Hãy đội mũ, dựng cổ áo kín gáy khi phải đi ngoài đường trời nóng. Và hãy nhớ mang theo nước uống để cơ thể không bị thiếu nước gây tăng nhiệt, sốc nhiệt.

Trong khoảng thời gian nắng nóng nhất, hãy hạn chế tối đa đi ngoài đường, đi trong khoảng thời gian ngắn.

Dùng kem chống nắng bảo vệ trước tia cực tím

BS Trang khuyến cáo, bên cạnh biện pháp cơ học, hãy dùng kem chống nắng ở tất cả các vùng da hở, không được che chắn.

Bởi ánh nắng là một trong những tác nhân gây lão hóa da. Cơ chế gây lão hóa da của ánh nắng là gây ra tổn thương các tế bào trên các lớp của da, đồng thời gây ra hiện tượng đứt gãy ADN trong các tế bào da, từ đó gây nên tình trạng đột biến và có thể dần dần hình thành nguy cơ ung thư da. Do đó, sử dụng kem chống nắng giúp chống lại tác dụng của ánh nắng lên da là rất quan trọng.

BS Trang cho biết, vào mùa hè, nhiều bệnh nhân tới viện khám trong tình trạng tổn thương da, chia sẻ với bác sĩ sáng nào trước khi ra khỏi nhà cũng bôi kem chống nắng. Nhưng họ chỉ bôi một lần duy nhất đó dùng cho cả ngày.

Theo lý thuyết, độ SPF càng cao, thời gian bảo vệ càng lâu. Tuy nhiên điều này chỉ để ước tính cơ bản nhất, thời gian bảo vệ còn phụ thuộc loại da, cường độ ánh sáng mặt trời, lượng kem sử dụng vậy nên nó ít có ý nghĩa để giúp bạn xác định thời gian tiếp xúc ánh sáng.

Trong hướng dẫn sử dụng kem chống nắng đúng chuẩn thì nó phải được dùng liên tục trong thời gian từ khi nhìn thấy ánh sáng ban ngày, chứ chưa cần là ánh nắng mặt trời. Bởi lẽ, ánh sáng cũng đã có thể khiến bạn bị ảnh hưởng từ các tia UVA, tác động lên da cho đến cuối ngày khi trời tối.

Do đó, bôi kem chống nắng một lần trong ngày là không đủ để bảo vệ da. Thông thường, mỗi ngày chúng ta cần bôi kem chống nắng ít nhất 2 lần, nên bôi từ 3-4 lần. Cứ 2 – 3 tiếng bạn cần bôi lại kem chống nắng một lần dù bạn đang dùng loại có chỉ số chống nắng cao.

Bên cạnh đó, hãy bôi kem chống nắng đủ liều. Mọi người thường bôi lớp quá mỏng nên tác dụng giảm đi rất nhiều. Nguyên tắc dùng kem chống nắng, bạn phải dùng đủ liều, đúng với tuýp da.

Nếu bôi kem chống nắng không đủ lượng cần thiết thì tác dụng chống nắng giảm đi rất nhiều. Ví dụ nếu chỉ dùng được ½ lượng cần thiết của kem chống nắng SPF 30 thì SPF giảm tới 5 – 6 lần.

Vì vậy, để chống nắng hiệu quả, bôi đủ lượng kem là vô cùng quan trọng để đạt được tác dụng tối ưu.

Và hãy nhớ, cần bôi kem chống nắng 30 phút trước khi đi ra ngoài. Đừng đợi đến sát giờ ra ngoài mới bôi kem chống nắng.

“Bôi kem chống nắng cần thực hiện hàng ngày, như một thói quen. Kể cả trời nhiều mây, tia UV vẫn làm hại da bạn. Vì thế, hãy dùng kem chống nắng hàng ngày, chứ không chỉ dành riêng cho ngày nắng để bảo vệ làn da”, BS Trang khuyến cáo.

Ngoài ra, BS Trang cũng hướng dẫn bôi kem chống nắng đúng cách. "Tác dụng của kem chống nắng là chống nắng cơ chế vật lý, giống như một lớp vật liệu che phủ da và cơ chế hóa học, tức là tạo ra tương tác hóa học để thay đổi sự hấp thu, chuyển hóa các tia bức xạ đến da. Việc bôi kem chống nắng ngay sau khi dùng các sản phẩm chăm sóc da khác (là thói quen nhiều phụ nữ Việt hay làm) sẽ làm loãng kem hoặc thay đổi tính chất vật lý, hóa học, do đó giảm tác dụng chống nắng.

Theo BS Trang, để kem chống nắng phát huy hiệu quả nhất, hãy bôi trực tiếp kem chống nắng lên da mặt. Nếu trước đó bạn bôi dưỡng ẩm thì phải để kem dưỡng ẩm có thời gian hấp thu vào trong da mới bôi kem chống nắng lên. Thông thường thời gian bôi các sản phẩm dưỡng da cách nhau ít nhất 15 -20 phút.

Tú Anh