1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Thường xuyên gặp ác mộng là dấu hiệu cảnh báo sớm của nhiều căn bệnh

Phạm Hường

(Dân trí) - Gặp ác mộng có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của các rối loạn tự miễn dịch trong não.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện với 676 bệnh nhân lupus, khoảng 1/3 số bệnh nhân này cho biết họ gặp ác mộng trong một năm trước khi có các triệu chứng khác của căn bệnh này.

Khảo sát này là một trong các hoạt động của một nghiên cứu do bác sĩ y tế cộng đồng Melanie Sloan ở Trường đại học Cambridge, Anh, phụ trách.

Phát hiện nói trên bổ sung cho các báo cáo trước đó cho rằng giấc mơ và hệ thống miễn dịch của não có mối liên hệ với nhau.

Thường xuyên gặp ác mộng là dấu hiệu cảnh báo sớm của nhiều căn bệnh - 1
Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng những giấc mơ đáng sợ là một trong những dấu hiệu phổ biến và đầu tiên của đợt bùng phát bệnh lupus, hay còn gọi là bệnh ban đỏ hệ thống.

Tác giả của nghiên cứu, nhà thần kinh học người Anh, Guy Leschziner, nói rằng: "Từ lâu, chúng ta đã biết những thay đổi trong giấc mơ có thể báo hiệu những thay đổi về sức khỏe thể chất, thần kinh và tinh thần, và đôi khi còn là dấu hiệu sớm của bệnh tật.

Tuy nhiên, nghiên cứu này tìm ra bằng chứng đầu tiên cho thấy ác mộng có thể giúp chúng ta giám sát tình trạng tự miễn dịch nghiêm trọng như bệnh lupus và là một dấu hiệu quan trọng đối với bệnh nhân cũng như bác sĩ, cho thấy các triệu chứng khi ngủ có thể báo hiệu khả năng tái phát sắp xảy ra".

Bệnh ban đỏ hệ thống là một căn bệnh tự miễn suốt đời không rõ nguyên nhân, thường bắt đầu ở độ tuổi từ 15 đến 45. Cứ sau vài năm, nó lại gây ra những cơn đau khớp từng cơn, sốt, đau ngực, mệt mỏi hoặc rụng tóc.

Không phải tất cả bệnh nhân lupus đều phát triển các triệu chứng tâm thần kinh trong các đợt bùng phát bệnh, nhưng có khoảng 40% số bệnh nhân gặp khó khăn trong quá trình chẩn đoán và điều trị, vì các triệu chứng như là ác mộng và ảo giác là do chủ quan bệnh nhân gặp phải và nhiều người ngại trao đổi với bác sĩ về vấn đề này.

Những người mắc bệnh tự miễn như vậy thường trải qua những giấc mơ sống động mang tính cảm xúc, nhưng những triệu chứng về nhận thức này có xu hướng dễ đánh lừa khiến người ta tưởng không liên quan đến bệnh lupus.

Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã cho thấy nhiều người mắc bệnh Parkinson tăng nặng (có liên quan đến các vấn đề tự miễn dịch) thường xuyên gặp những giấc mơ đáng sợ trong suốt khoảng 10 năm trước khi được chẩn đoán mắc bệnh.

Ác mộng cũng có thể là dấu hiệu sớm của bệnh mất trí nhớ, và đây cũng là một căn bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch. Một số bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng cho biết họ cũng có những giấc mơ đáng sợ trong giai đoạn trước khi bệnh bùng phát.

Và giờ đây, đến lượt những bệnh nhân lupus cũng được ghi nhận gặp ác mộng thường xuyên.

Ngoài khảo sát nói trên, các nhà nghiên cứu cũng tiến hành phỏng vấn cá nhân với 69 người mắc bệnh thấp khớp tự miễn hệ thống, bao gồm cả bệnh lupus.

Một người cho biết gặp phải những cơn ác mộng kinh hoàng trong đợt bùng phát bệnh. Người này nói rằng dường như bệnh càng nặng thì giấc mơ càng sống động và đáng sợ hơn. Một bệnh nhân khác cũng có cảm nhận tương tự. Người này tự kết luận rằng những cơn ác mộng chính là cơ thể mình chiến đấu với bệnh tật.

Một số chuyên gia cho rằng nghiên cứu này đưa ra bằng chứng về mối liên hệ giữa việc gặp ác mộng và bệnh lupus, và các bác sĩ nên hỏi bệnh nhân về việc này cùng với các triệu chứng tâm thần thần kinh, bởi những giấc mơ thực sự có thể cho chúng ta biết một số điều liên quan đến sức khỏe và bệnh tật.

Theo www.sciencealert.com