Thương nhói lòng những gương mặt xanh rớt chờ đợi từng giọt máu để được sống
(Dân trí) - Vượt 27km đưa con gái Đào Minh Ngọc (11 tuổi ) đến BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên chiều 11/7 để truyền máu, nhưng hai cha con anh Hùng lại phải về vì thiếu máu điều trị. "Bác sĩ bảo mai con quay lại là có máu truyền rồi, con sẽ lại khoẻ, không buồn nôn, nằm bẹp đến mức không buồn nhúc nhích nữa", Ngọc hồn nhiên chia sẻ.
"Con cần truyền máu"!
11 tuổi, nhưng cô bé Đào Minh Ngọc (xã Hợp Tiến, Đồng Hỉ, Thái Nguyên) chỉ như lên 8. Da cô bé xanh rớt như tàu lá, yếu ớt vì đến kì truyền máu nhưng không có máu để truyền.
11 tuổi, cô bé có đến 9 năm gắn bó khoa Huyết học lâm sàng (BV Đa khoa Thái Nguyên). Cứ 20 - 21 ngày một lần, cô bé với chiếc mũ bảo hiểm to trùm kín đầu nhỏ bé ngồi sau lưng bố lên bệnh viện truyền máu.
Trước đó khi con được 2 tuổi, thấy người con lúc nào cũng xanh mướt, đi cắt thuốc cam sài mấy lần không khỏi, anh Đào Đình Hùng, bố bé Ngọc đưa con tới viện khám, được chẩn đoán bệnh tan máu bẩm sinh và từ đó là hành trình 20 ngày lại tới viện của hai bố con.
Anh Hùng cho biết nhà cách viện 27km, nhưng 9 năm nay, tháng nào anh cũng cùng con tới viện để truyền máu. Những đợt truyền đúng dịp hè, dịp Tết, cùng con chờ đợi máu anh thấy rất sốt ruột, thương con. Không ít lần anh đề nghị bác sĩ cho bố mẹ hiến máu, nhưng vốn là người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassamia) nên bác sĩ không đồng ý.
Còn với Ngọc, mỗi lần đi viện là một lần em được "sống" đúng nghĩa. "Vì sau khi được truyền máu, con thấy khỏe lắm ạ, con ăn được nhiều hơn, học hành cũng chăm chỉ hơn. Chứ như bây giờ, con chỉ thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, chỉ muốn nằm bẹp một chỗ, ngóng máu để truyền", cô bé chia sẻ.
"Thời gian con bé ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Bởi mỗi đợt điều trị, con cần 5 ngày, nếu thiếu máu còn phải về, chờ đợi. Những lúc ấy thương con lắm vì con không ăn được, trong bụng không có gì vẫn cứ nôn. Bố mẹ cố gắng nấu món gì mang đến con cũng lắc đầu, bảo "con cần truyền máu". Đợt này con cũng được hẹn ngày mai, bố con tôi đều ngóng chờ từng giọt máu từ Hành trình đỏ. Tôi luôn biết ơn những người không quen nhưng đã có tấm lòng hiến máu để những người bệnh như con tôi được sống", anh Hùng chia sẻ.
Người xanh rớt, thiếu máu trầm trọng nhưng cô bé vẫn phải chờ đợi nguồn máu hiến để được truyền máu. Trong ảnh, BS Hảo đang khám cho bệnh nhi.
Ths.BS Nguyễn Quang Hảo, Trưởng khoa Huyết học lâm sàng, BV Trung ương Thái Nguyên cho biết trường hợp như cháu Ngọc phải truyền từ 3 - 5 đơn vị máu mới ổn định. Nhưng có những đợt, máu thiếu, bệnh nhân sẽ phải truyền cầm chừng.
Tại Khoa hiện đang quản lý gần 1000 người bệnh cần truyền máu. Vào những dịp hè, Tết khi sinh viên nghỉ học về quê luôn là những đợt thiếu máu căng thẳng.
Vì thế, trong những dịp này, người bệnh thường chỉ được điều trị duy trì ở mức “tạm chấp nhận được”. Người bệnh không được truyền đủ máu vẫn mệt nhiều, thời gian nằm viện kéo dài, đội chi phí rất cao.
Trong dịp hè, có đến 60% bệnh nhân phải điều trị duy trì do không đủ máu để điều trị đủ liều. Còn trong tình huống cấp cứu thường phải huy động chính thân nhân người bệnh, đoàn viên thanh niên trong bệnh viện, các y bác sĩ trực tiếp hiến máu.
"Trong dịp này máu đang rất hiếm, bệnh nhân, bác sĩ đều trông chờ Hành trình đỏ ngày 12/7 để bệnh nhân được truyền máu.
Hiện tại khoa chúng tôi đang điều trị cho 34 bệnh nhân và có tới 60% bệnh nhân đang lay lắt như vậy. Chúng tôi có bệnh nhân nữ 35 tuổi thều thào nói không ra hơi vì bị tan máu bẩm sinh nhưng dùng thuốc nam, chúng tôi vừa phải lọc huyết tương, vừa phải chờ nguồn máu để truyền. Nếu không có "Hành trình đỏ" thu hút lượng máu hiến lớn thì người bệnh sẽ rất mệt mỏi", BS Hảo chia sẻ.
Thu hơn 1500 đơn vị máu, người bệnh vỡ oà niềm hạnh phúc
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, tính đến trưa ngày 12/7, Hành trình đỏ Thái Nguyên thu hơn 1500 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu mong đợi.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trao biểu trưng nhóm máu cho người hiến máu.
Số máu này đang được gấp rút xử lý, chuyển đến các đơn vị để truyền cho người bệnh.
Sáng 12/7, tại điểm hiến máu tập trung ở Thái Nguyên, hàng ngàn người kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt hiến máu.
Cô Phan Thị Hảo (59 tuổi) dắt theo cháu nội ra xếp hàng hiến máu. Cô rất buồn khi biết đây có thể là lần hiến máu gần cuối cùng vì 60 tuổi là không đủ điều kiện hiến máu.
Cô Phan Thị Hảo (59 tuổi) vẫn mong được nhiều lần hiến máu hơn.
"Có cháu nhỏ, mỗi lần đi viện, nhìn thấy những bệnh nhân bệnh máu mặt xanh rớt, tôi thương lắm, cứ có dịp, thuận lợi là tôi đi hiến máu. Chỉ mong nhà nước thay đổi quy định, chúng tôi cao tuổi nhưng cảm nhận sức khoẻ còn tốt, xin được tiếp tục hiến máu", cô Hảo nói.
Cô Hảo cho biết thêm, hai con của cô cũng thường xuyên đi hiến máu. Cô luôn ủng hộ con, động viên con tuyên truyền để đồng nghiệp đi hiến máu. Chồng của cô mỗi đợt thuận lợi cũng đi hiến máu.
Chị Ngô Thị Loan (27 tuổi) chia sẻ, đây là lần đầu chị đi hiến máu, sau bao lần dự định mà không thành. Tuy run, nhưng Loan rất vui, vì mình đủ tiêu chuẩn hiến máu, những giọt máu của mình sẽ giúp được bệnh nhân cần máu.
Chương trình vận động hiến máu có quy mô lớn nhất "Hành trình Đỏ” lần thứ VII chính thức bắt đầu từ ngày 11/6 và kéo dài đến hết ngày 28/7/2019 với sự tham gia của 39 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là năm đầu tiên chương trình được tổ chức trong thời gian dài nhất, với sự tham gia của nhiều địa phương nhất.
Với thông điệp "Kết nối dòng máu Việt”, chương trình sẽ diễn ra tại 39 địa phương trong cả nước, tiếp nhận vài chục nghìn đơn vị máu phục vụ điều trị.
Dưới đây là một vài hình ảnh Hành trình đỏ Thái Nguyên diễn ra trong hai ngày 11- 12/7/2019:
Hồng Hải