Thuốc lá mới: Gây nghiện, hại não trẻ em, gia tăng bệnh ung thư, tim mạch
(Dân trí) - Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá mới đang “dụ dỗ” nhiều trẻ em như một trò giải trí lành mạnh, nhưng thực chất tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại.
Tại rất nhiều cuộc họp, mới nhất là lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31 tháng 5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31 tháng 5 với chủ đề: “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”, PGS Khuê nhiều lần nhấn mạnh sự nguy hại của thuốc lá mới.
Ông dẫn chứng, đến Tổng thống Mỹ Donald Trump còn nhiều lần lo ngại con trai út bị dụ dỗ bởi thuốc lá mới, do các công ty thuốc lá đang nhắm đến đối tượng người trẻ để quảng bá các loại thuốc lá mới này.
Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, hiện nay xuất hiện nhiều quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Thông điệp quảng cáo là "sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với các loại thuốc lá thông thường". Các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị sản phẩm thuốc lá mới tập trung vào thu hút giới trẻ.
Theo bà Hải, những quảng cáo này gây hiểu lầm cho rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng ít tác hại hơn thuốc lá thông thường. Trong khi trên thực tế, thuốc lá điện tử độc hại tương đương thuốc lá thông thường, với nicotin gây nghiện và hàng nghìn chất hoá học khác.
Thuốc lá điện tử với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotin trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotin và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.
Chưa kể, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp và một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.
Theo điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố Việt Nam năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh giảm từ 4% xuống 3,6%. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6%.
Cùng quan điểm này, TS Kidong Park khẳng định rằng, các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chứa nicotine và các chất độc hại khác, có thể gây ra nhiều tác hại sức khỏe nghiêm trọng trong ngắn hạn và dài hạn.
“Trong ngắn hạn, các sản phẩm thuốc lá mới này có thể gây tổn thương phổi cấp tính do hóa chất độc hại và chấn thương vật lý nghiêm trọng do cháy nổ pin. Vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, một dịch bệnh chấn thương phổi do thuốc lá điện tử đã xảy ra ở Mỹ, khiến ít nhất 2800 trường hợp nhập viện vì chấn thương phổi và 68 trường hợp đã tử vong. Về lâu dài, Nicotine trong thuốc lá điện tử là một loại thuốc gây nghiện cao và có thể gây hại cho não trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, trong khi hóa chất độc hại trong các loại thuốc lá mới có thể gây ra bệnh mạn tính bao gồm ung thư và bệnh tim mạch, hô hấp”, TS Kidong Park cho biết.
Thế nhưng, trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp thuốc lá đã cố tình sử dụng các chiến thuật tinh vi và dùng nguồn lực lớn để quảng cáo thu hút giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá và nghiện chất nicotine. Các tập đoàn công nghiệp thuốc lá trên trên thế giới đã chi các khoản tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng, từ việc thiết kế sản phẩm hấp dẫn giới trẻ cho đến các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút một thế hệ người dùng thuốc lá mới là giới trẻ, để thay thế cho hàng triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra.
Vì thế, PGS Lương Ngọc Khuê hi vọng thông qua các hoạt động tuyên truyền của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế sẽ mang tới những thông tin hữu ích tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người nói chung và tầm quan trọng của việc bảo vệ thế hệ trẻ trước các tác hại của việc sử dụng thuốc lá. Đặc biệt, hiện nay các tập đoàn thuốc lá trên thế giới đang đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo nhắm tới đối tượng là giới trẻ thông qua việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng,…), coi việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá này là sành điệu, quảng cáo và bán các sản phẩm này qua mạng internet - là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, việc làm này gây ảnh hưởng xấu đến lối sống, hành vi của giới trẻ.
Để bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo có hệ thống của ngành công nghiệp thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020: “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”. Chiến dịch toàn cầu này nhằm chỉ rõ các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt là các phương thức mà ngành công nghiệp thuốc lá tác động đến thanh thiếu niên nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thuốc lá.
Với chủ đề "Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá" trong Ngày Thế giới Không Thuốc lá 31/5 là WHO cũng khẳng định thuốc lá độc hại dưới mọi hình thức.
WHO kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn, rằng có loại thuốc lá ít gây hại cho sức khỏe.
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31 tháng 5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31 tháng 5 với chủ đề: “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá mới đã tổ chức diễn hành tại 43 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Với sự hỗ trợ của Quỹ PCTH thuốc lá, môi trường 100% không khói thuốc đã được xây dựng tại 1.560 cơ quan hành chính, 10.586 trường học, 208 công ty xe khách, 4.442 nhà máy, xí nghiệp, 508 bệnh viện, 305 nhà hàng, 400 khách sạn.
Đăng An