Thuốc lá “âm thầm” cướp đi sinh mạng của 8,2 triệu người trên toàn cầu
(Dân trí) - Thuốc lá không gây chết người ngay, thậm chí cả số liệu người chết vì bệnh ung thư phổi cũng có độ trễ đến 30 năm. Tuy nhiên, mỗi năm nó cũng cướp đi sinh mạng của 8,2 triệu người trên toàn thế giới.
Phát biểu tại hội thảo mới đây về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang cho biết, một bệnh truyền nhiễm như Covid-19 có quy mô toàn cầu, khiến gần 1 triệu người tử vong đã gây quan ngại cho tất cả các quốc gia, toàn thể người dân trên toàn thế giới, làm đình trệ các hoạt động kinh tế, văn hóa… Trong khi đó, thuốc lá “âm thầm” cướp đi sinh mạng của 8,2 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới.
“Điều đó cho thấy những tác hại khủng khiếp của thuốc lá đối với sức khỏe. Thời gian qua với sự nỗ lực rất lớn, chúng ta đã giảm được tỷ lệ người hút thuốc. Tuy nhiên với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, chúng ta phải đối mặt với làn sóng tác động thứ 2. Chúng ta đang chịu tác động kép của 2 loại thuốc lá này”, ông Quang nói.
Lấy ví dụ với bệnh ung thư phổ có liên quan chặt chẽ đến thuốc lá, ông Đào Thế Sơn, Đại học Thương Mại (Hà Nội) cho biết số liệu người chết vì ung thư phổi có độ trễ 30 năm. Sau 30 năm người ta mới thu thập được số liệu. Chính độ trễ trong việc ghi nhận tác hại đến sức khỏe của thuốc lá tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện này vì thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hoàn toàn mới.
Ths Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết thêm các lý luận về giảm hại, về lý tưởng của thuốc lá điện tử mà các công ty thuốc lá đưa ra là không như thực tế.
“Nếu chúng ta cho phép thuốc lá điện tử được nhập khẩu vào Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng sẽ tăng lên chóng mặt ở giới trẻ, nó trở thành mốt thời thượng. Khi đó, Chính phủ muốn kìm lại 'con ngựa' rất khó và Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng giới trẻ nghiện nicotin tăng rất cao như một số nước trên thế giới”, Ths Lâm nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Hạnh Nguyên, Quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cũng nhấn mạnh việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên và thanh niên.
“Trên thực tế các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc mới”, bà Hạnh Nguyên nói.
Theo đó, để thu hút người sử dụng, các công ty quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại; kèm theo đó là nhiều chiêu thức bán hàng trên mạng xã hội nhằm vào giới trẻ: giá rẻ, tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm; thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng và kích thước; đóng gói như kẹo; nhiều hương vị... tạo ấn tượng của thanh thiếu niên về sản phẩm.
Bộ Công thương có đề xuất thí điểm cho phép công ty đa quốc gia được nhập thuốc lá đun nóng, thuốc lá điện tử. Về nội dung này, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chính phủ đề xuất không thí điểm với các trường hợp này. Đồng thời Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.
Các nghiên cứu đã chứng minh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, chúng còn có một số tác hại khác liên quan như lợi dụng hút thuốc lá để sử dụng các chế phẩm ma túy, hay tính an toàn của thuốc lá điện tử khi sử dụng gây cháy nổ…
Các nhà khoa học Nhật Bản gần đây đã phát hiện ra trong khí thải và trong thuốc lá điện tử cũng có các thành phần độc hại giống như thuốc lá thông thường. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong khí thải của thuốc lá điện tử có các chất có thể gây ung thư.
Ngoài tính gây nghiện, nicotine gây tác động tiêu cực đến sự phát triển thai nhi trong quá trình mang thai và các bệnh tim mạch. Nó không phải là chất gây ung thư, nhưng nó lại tác động như “chất tạo khối u” và liên quan đến hình thành bệnh ung thư.
Ngoài ra, propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng. Trong dung dịch thuốc lá điện tử cũng có thể có các kim loại như chì, bạc, cadmium, chromium, thủy ngân, nickel.