Thuốc giả chỉ được thu hồi trên... văn bản

Theo thống kê, có nhiều loại thuốc bị làm giả đã được bày bán trên thị trường, thậm chí đi vào cả bệnh viện qua con đường đấu thầu.

Tại Hội thảo quốc tế Thuốc giả - từ thực tiễn đến hành động do Bộ Y tế phối hợp với các tổ chức quốc tế Lào, Campuchia, Pháp và Thái Lan tổ chức tại Hà Nội ngày 29-30/10, Cục Quản lý dược cho biết, từ đầu năm đến nay đã phát hiện và thu hồi nhiều loại thuốc giả, nhái và thuốc có hàm lượng không đúng như công bố.

 

Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, các loại thuốc bị làm giả phần nhiều là tân dược, như: Tanganil 500mg điều trị chóng mặt; Mobic 7,5mg dùng điều trị bệnh lý về xương, khớp, cột sống; Cota xoang trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng; Sibelium dự phòng đau nửa đầu, điều trị chứng chóng mặt; Neo-Codion trị ho... Không chỉ thuốc thông thường mà ngay cả các thuốc đặc trị, phải sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ cũng bị làm giả. Ví dụ: Vastarel 20mg điều trị dự phòng cơn đau thắt ngực, Dogmatil 50mg điều trị lo âu và rối loạn hành vi…

 

Giám đốc Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm kinh tế Campuchia Long Sen cho biết, Cục này vừa bắt giữ 22 tấn tân dược giả và 516 tấn thực phẩm chức năng đang được đóng gói chuyển sang thị trường Việt Nam. Theo điều tra, đường đi của thuốc giả này xuất phát từ Trung Quốc, đi qua Việt Nam dưới dạng các hộp sữa rồi chuyển sang Campuchia đóng gói.

 

Phần lớn các loại thuốc bị làm giả là tân dược


Phần lớn các loại thuốc bị làm giả là tân dược

Phần lớn các loại thuốc bị làm giả là tân dược

 

Hiện có rất nhiều người mua thuốc điều trị rối loạn cương dương như Viagra qua mạng internet. Điều nguy hại là phần lớn những thuốc điều trị rối loạn cương dương bán qua mạng đều là giả. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 2,5 triệu người ở châu Âu sử dụngViagra giả.

 

Theo WHO, thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, số lượng thuốc giả đã phát hiện trong năm 2011 là 31 mẫu; trong đó 11 mẫu tân dược và 20 mẫu Đông dược, bao gồm cả nhập khẩu và sản xuất trong nước. Cũng trong năm 2011, trong số 48.261 mẫu thuốc được kiểm nghiệm chất lượng thì có đến 940 mẫu không đạt tiêu chuẩn.

 

Tại Việt Nam, sau phát hiện thuốc giả, kém chất lượng, Cục Quản lý dược hoặc sở y tế địa phương gửi công văn tới các doanh nghiệp và nhà thuốc yêu cầu thu hồi. Nhưng trên thực tế, trước khi có lệnh thu hồi, thuốc đã được tung ra thị trường và tiêu thụ. Chính vì vậy, thuốc giả, thuốc kém chất lượng phần nhiều chỉ được thu hồi trên…văn bản.

 

TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, các sản phẩm thuốc khi nhập vào Việt Nam đều được kiểm nghiệm chất lượng, theo dõi các phản ứng phụ và thu hồi nếu phát hiện sản phẩm không đạt chỉ tiêu như công bố. Nhưng có những loại thuốc, nhất là thuốc mới, phải sử dụng trên người bệnh mới phát hiện vấn đề. Thậm chí, có thuốc khi phát hiện phản ứng gây hại, sau khi cân nhắc với lợi ích thuốc mang lại, vẫn được chấp nhận. Hiện nay, với những loại thuốc nhập khẩu, việc đưa ra cảnh báo về độc tố vẫn còn nằm ngoài khả năng của hệ thống kiểm nghiệm dượctrong nước.

 

Theo các chuyên gia y tế, những tác hại khi sử dụng thuốc giả có thể xuất hiện ngay lập tức trên bệnh nhân, bệnh sẽ tiến triển xấu, gây tử vong hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

 

Theo Trúc Khuê

Phụ nữ online