1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực phẩm sạch - Sạch tới mức nào?

Trung thu 2011, trên thị trường xuất hiện bánh trung thu ba sạch. Trước đó thị trường đã có hàng chục kiểu sạch khác nhau, từ thịt heo sạch, gà sạch, trứng sạch, nước mắm sạch, nước đá sạch… đến mỹ phẩm sạch, nước mía siêu sạch. Sạch đang thu hút sự chú ý của người mua. Thực tế thì sao?

Đủ kiểu sạch

Cho đến nay, sạch chưa có điểm chung và mỗi nơi đều gọi sản phẩm sạch theo tiêu chí khác nhau, cũng như mỗi loại sản phẩm đều có tiêu chuẩn sạch khác nhau.

Trứng sạch là trứng được xử lý qua dây chuyền công nghệ bằng nhiều công đoạn, nhằm bảo đảm an toàn và có thể dự trữ được lâu, như qua khâu kiểm dịch, xử lý ozôn, rửa trứng bằng băng chuyền tự động, xử lý tia cực tím… Nước mắm sạch, theo giới thiệu của công ty sản xuất có tiêu chí “bốn không”: không có urê gây hại, không có vi khuẩn yếm khí gây biến đổi mùi, không có vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, không có nấm men, nấm mốc. Thịt sạch là sản phẩm không có thuốc, kháng sinh, hormone, chất kích thích tăng trưởng. Trong quá trình nuôi, gia súc chỉ ăn cỏ rơm hay ngũ cốc có chứng nhận sinh học, không thuốc trừ sâu hay phân bón hoá học. Tương tự như vậy, mỹ phẩm sạch được nơi phân phối giải thích là dùng nguyên liệu thiên nhiên hoàn toàn, không chứa hoá chất gây hại. Còn bánh trung thu ba sạch, theo đại diện công ty sản xuất là: sạch từ khâu chọn nguyên liệu, sạch trong khâu chế biến (nhà xưởng, thiết bị, quy trình sản xuất theo ISO 9001:2000, công nhân được kiểm tra sức khoẻ định kỳ) và sạch trong khâu bảo quản.

Trấn an tâm lý

Thực phẩm sạch - Sạch tới mức nào? - 1
Tình hình sử dụng phẩm màu và chất bảo quản ở nước ta rất bừa bãi

Xu hướng sạch được người mua chọn lựa sau hàng loạt các vụ phát hiện rau chứa dư lượng thuốc trừ sâu quá cao, thịt heo dư chất tăng trưởng, thuỷ sản chứa dư lượng kháng sinh, tôm cá khô bị phun thuốc diệt nấm mốc, nước giải khát trái cây có DEHP… với nguy cơ gây ngộ độc, dẫn đến bệnh ung thư, dậy thì sớm, vô sinh…

Cuộc điều tra trên 7.200 hộ dân tại 12 tỉnh, thành, kết quả từ hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2006 - 2010 diễn ra đầu năm 2011 cho thấy: tỷ lệ người biết cách chọn thực phẩm an toàn chỉ đạt hơn 47%, và có gần 4% cho rằng cứ mua ở cửa hàng quen biết là ổn. Theo cục An toàn vệ sinh thực phẩm, năm năm qua, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm có xu hướng thay đổi: giảm ngộ độc do vi sinh nhưng nguyên nhân ngộ độc do hoá chất, độc tố tự nhiên có xu hướng tăng.

Từ nỗi sợ đó, người tiêu dùng có xu hướng chọn lựa hàng hoá nói chung, cũng như thực phẩm nói riêng có độ an toàn cao hơn. Nhà sản xuất, kinh doanh, phân phối… cũng nhân đó mà khai thác. Họ đẩy mạnh yếu tố sạch, và chứng minh theo nhiều cách khác nhau để làm nổi bật sự khác biệt so với sản phẩm khác cùng loại, bán hàng với giá cao hơn. Cụ thể, ly nước mía siêu sạch hiện nay có giá 10.000 đồng so với ly nước mía bình thường 5.000 đồng.

Trong tiêu chuẩn Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có quy định nào về vấn đề sạch. Ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Quatest 3 cho biết: “Sạch như thế nào đang nằm ngoài các quy định hiện hành. Bởi liên quan đến thực phẩm có những chỉ tiêu cụ thể, để biết sản phẩm đạt hay chưa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không có tiêu chuẩn thực phẩm sạch”. Ông Lâm nói thêm: “Nguyên liệu thiên nhiên hoàn toàn cũng chưa hẳn là sạch, thông tin như vậy dễ làm cho người tiêu dùng hiểu sai sản phẩm khác là bẩn”.

Theo ông Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm thì vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ liên quan đến giá cả. Có những sản phẩm giá không cao nhưng vẫn an toàn, có sản phẩm giá rất cao nhưng vẫn không an toàn. Vấn đề là người tiêu dùng phải biết cách lựa chọn…

Sạch hay không, sạch đến độ nào, chỉ có nhà sản xuất biết rõ. Trong thực tế, với nhiều chiêu thức tiếp thị, cách chứng minh thông qua những dẫn chứng có vẻ khoa học... người tiêu dùng khó mà phân định được thực hư.
 

Tiêu chuẩn HACCP dành cho thực phẩm và VietGAP cho rau - củ - quả

 

Nên chọn lựa thực phẩm theo hai tiêu chuẩn đã được quốc tế công nhận: đối với thực phẩm – nước uống (tươi hay chế biến) chọn nhà sản xuất đã đạt tiêu chuẩn HACCP. HACCP (viết tắt của Hazard Analysis and Critical Control Points, dịch ra tiếng Việt là Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn) là những nguyên tắc được sử dụng trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. HACCP được nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc áp dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. HACCP được áp dụng trong suốt cả chuỗi thực phẩm, từ khâu ban đầu tới khâu tiêu thụ cuối cùng.

 

Còn mua rau – củ – quả, nên căn cứ vào tiêu chuẩn VietGAP. VietGAP (viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices – thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam). VietGAP cho rau, quả tươi an toàn dựa trên cơ sở ASEAN GAP, EUREPGAP/GLOBALGAP và FRESHCARE, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho rau, quả Việt Nam tham gia thị trường khu vực ASEAN và thế giới, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Bích Thảo