Thực phẩm kiện tì
(Dân trí) - Sáng nào thức dậy bạn cũng thấy gối ướt đẫm do tật chảy nước miếng ban đêm? Chuyên gia nhắc nhở bạn, đây có thể là biểu hiện của tì suy.
Tì suy là gì?
Đây là một danh từ của Đông y, chỉ hiện tượng bệnh lý của suy nhược tì khí. Đa phần do ăn uống không điều độ, mệt mỏi quá sức, hoặc do cơ thể suy nhược trong thời gian dài gây ra. Tì có tác dụng chuyển hoá các chất dinh dưỡng trong thực phẩm và vận chuyển nước trong cơ thể…Khi tì suy sẽ khiến các quá trình trên không được điều tiết như bình thường, gây ra các vấn đề về dinh dưỡng, thiếu máu…
Biểu hiện như thế nào?
Tì suy khiến các cơ quan trong cơ thể không lấy được đủ dưỡng chất cần thiết. Do đó sẽ dẫn đến các biểu hiện như: tinh thần mệt mỏi, người không có sức lực, sắc mặt vàng vọt; thường buồn ngủ sau khi ăn, hoặc chướng bụng sau ăn, đại tiện có hiện tượng tiêu chảy; tay chân dễ lạnh, hay hụt hơi, lưỡi viêm phù; mạch yếu, không có lực…
Thực phẩm nào dành cho người tì suy?
Lựa chọn đúng thực phẩm sẽ có tác dụng bổ tì ích khí. Các thực phẩm hỗ trợ tiêu hoá, có tác dụng tỉnh tì khai vị như: hạt dẻ, sơn dược, nho, mã thầy, nấm hương, cà rốt, táo tàu, đậu ván…
Nên ít ăn các thực phẩm tính hàn mát, dễ gây tổn thương cho tì như mướp đắng, dưa chuột, bí đao, cà, hồng, chuối tiêu, lê, dưa hấu… Những thực phẩm như thịt vịt, cá, sữa tươi, vừng, củ cải…cũng dễ gây tổn thương tì khí.
Một vài món ăn dưỡng tì
Cháo gạo tẻ: gạo tẻ 50g, nho khô 10g. Nấu chín gạo tẻ với lượng nước vừa đủ, sau đó cho nho khô vào nấu cùng cho tới khi gạo nhừ.
Khoai lang: Tính bình, vị ngọt, có tác dụng bổ tì, điều hoà huyết, ích khí, thông tiện. Người bị suy tì nên ăn khoai lang thường xuyên.
Táo: Tính ôn, có tác dụng bổ tì vị, ích khí huyết. Những người bị suy tì, dạ dày yếu ăn ít, khí huyết suy yếu đều nên ăn táo hàng ngày.
Thông thường những thực phẩm được trồng sâu trong lòng đất như sơn dược, bạch thuật, khoai tây, khoai lang…đều có tác dụng kiện tì. Các thực phẩm này dùng để nấu cháo, hoặc làm món ăn đều mang lại hiệu quả tốt.
Phạm Thuý
The people