TPHCM:

Thực phẩm được dán mã code chưa chắc đã an toàn

(Dân trí) - Xu hướng quốc tế hóa, minh bạch thông tin qua mã code thực phẩm đang hướng đến nhiều tiện ích và sự an tâm hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, chuyên gia thực phẩm cảnh báo, thực phẩm có mã vạch vẫn tồn tại những rủi ro đi kèm.

Sau 2 năm triển khai ứng dụng dán tem quét mã code truy xuất nguồn gốc thực phẩm, các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trên cả nước đã bước đầu ứng dụng “đại trà” với mục đích minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm. Những mặt hàng tiêu dùng thường ngày như thịt, cá, rau, củ, quả… tươi sống đến những sản phẩm đã qua chế biến hiện đang được “mã hóa”.

Ngày càng nhiều các mặt hàng thực phẩm được dán mã code truy xuất nguồn gốc
Ngày càng nhiều các mặt hàng thực phẩm được dán mã code truy xuất nguồn gốc

Tiện ích của ứng dụng công nghệ trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đã bước đầu mang đến niềm tin cho người tiêu dùng. Thực phẩm bày bán tại các siêu thị hiện đã có mã code, tại các chợ cũng bắt đầu có sự xuất hiện của những mặt hàng chứa mã vạch này. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt phần mềm quét mã vạch, truy cập vào intenet, bà nội trợ bằng thao tác đơn giản chụp lại mã code sẽ biết thông tin khá chi tiết về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm mình có nhu cầu mua trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Tuy nhiên, người tiêu dùng đang băn khoăn về tính trung thực của các tem nhãn mang mã code. “Những sản phẩm đã qua chế biến, mã code truy xuất nguồn gốc được in ngay trên bao bì nhưng mặt hàng thịt, cá tươi sống, rau, củ, quả… mã code được dán trực tiếp lên sản phẩm hoặc dán lên bao bì có thể bóc ra rất dễ. Hàng hóa còn có thể làm giả rất tinh vi nên chiếc tem mang mã code muốn làm giả chắc không khó. Lâu nay tôi mua hàng mang mã code vì lòng tin chứ hiếm khi kiểm tra xem nó có nguồn gốc, chất lượng ra sao” – chị Mai Thanh Thúy một khách hàng của siêu thị Co.op-mart cho biết.

Người tiêu dùng băn khoăn khi tem chứa mã code dán trên rau quả có thể bóc ra dễ dàng
Người tiêu dùng băn khoăn khi tem chứa mã code dán trên rau quả có thể bóc ra dễ dàng

Một khách hàng khác của siêu thị Big C là bà Trần Thu Cúc cho rằng: “Thị trường thực phẩm lâu nay đã “vàng thau lẫn lộn” dù có hay không có mã code truy xuất nguồn gốc thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát từ khâu trồng trọt, đóng gói, vận chuyển, kinh doanh bàn ăn của người tiêu dùng phải đặt lên hàng đầu. Chúng tôi có thể quét được mã code để biết thông tin trên một chiếc tem còn tem đó được dán lên hàng đảm bảo chất lượng hay dán lên hàng kém chất lượng được cố ý trà trộn vào thì người mua không thể biết được.”

Bên cạnh băn khoăn của người tiêu dùng, Ths Đỗ Lan Nhi (chuyên gia thực phẩm) cho rằng: “Hiện tem nhãn liên quan đến chứng nhận thực phẩm được thẩm định bởi những đơn vị khách quan, sản xuất theo quy trình Global Gap, Viet Gap. Tuy nhiên, từng sản phẩm cụ thể không được test để cấp chứng nhận, đơn vị sản xuất phải tự chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm trên cơ sở tuân thủ quy trình”.

Các sản phẩm được dãn mã code vấn chưa chiếm được lòng tin tuyệt đối của bà nội trợ
Các sản phẩm được dãn mã code vấn chưa chiếm được lòng tin tuyệt đối của bà nội trợ

Theo ThS Lan Nhi, quy trình sản xuất tốt chưa chắc tất cả sản phẩm đều tốt bởi vẫn có những sự cố xảy ra khiến sản phẩm không đạt chất lượng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng lợi dụng quy trình được chứng nhận, nhiều đơn vị sản xuất khi đóng gói từng sản phẩm cụ thể đã dùng từ ngữ “đạt tiêu chuẩn” ghi công bố trên tem nhãn, điều này là đánh tráo khái niệm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Mặt khác, trên tem nhãn thông tin mã code cần phải công bố các chất nguy cơ gây dị ứng để tránh nguy hiểm cho từng cá nhân nhưng chưa có nhiều mặt hàng thực phẩm chú trọng đến vấn đề này.

Mặt hàng thịt tươi sống đang là thách thức lớn trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng
Mặt hàng thịt tươi sống đang là thách thức lớn trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng

Tương tự như vấn đề mã code trên thực phẩm là quy định heo thịt khi nhập vào TPHCM phải có vòng truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, theo nhận định của PGS Phạm Khánh Phong Lan: “Một chiếc vòng được đeo cho heo, vài dấu kiểm dịch đóng lên thịt sau khi giết mổ khó có thể khẳng định toàn bộ thịt heo ở các chợ đều an toàn bởi vì mục đích lợi nhuận nguy cơ trà trộn thịt heo lậu, không nguồn gốc luôn ở mức cao. Ngoài những giải pháp siết chặt quản lý thực phẩm từ khâu đầu vào thì hơn ai hết người sản xuất kinh doanh cần phải đảm bảo uy tín của mình và có trách nhiệm chung vì sức khỏe cộng đồng”.

Vân Sơn