1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực phẩm chức năng không có tác dụng hỗ trợ điều trị?

(Dân trí) - Đây là một trong những nội dung gây tranh cãi tại tọa đàm trực tuyến “Đề xuất góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam” tổ chức chiều 5/5 tại Hà Nội với sự tham gia của cơ quan chức năng, Hội Thực phẩm chức năng.

Tại buổi Tọa đàm, PGS. TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, khẳng định: “Thực phẩm chức năng (TPCN) có 2 chức năng cơ bản: một là tăng cường sức khỏe (chống lão hóa, tăng sức đề kháng, sung mãn, làm đẹp) và tác dụng thứ 2 là hỗ trợ điều trị bệnh tật (góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh, làm giảm tác hại của bệnh).

Cùng quan điểm, Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐQT Cty tư vấn Y Dược IMC, cho rằng TPCN không phải khái niệm mới. Trước đây, người dân đã quen thuộc với thuốc bổ. Hiện nay, các nhà sản xuất đã bổ sung các vi chất, emzym, probiotic, chất khoáng… vào các loại thuốc và như vậy 1 bộ phận thuốc đã chuyển thành TPCN. Và thuốc bổ trước đây cũng đã trở thành TPCN. Như vậy TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng bệnh cho con người.

Không nhắc tới vai trò hỗ trợ điều trị, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, bày tỏ quan điểm thực phẩm chức năng là sản phẩm bổ sung dưỡng chất.

Thực phẩm chức năng là khái niệm chung của thế giới, có tên thực phẩm bổ sung, chế độ ăn uống bổ sung, sản phẩm sức khỏe. Nó (thực phẩm chức năng - PV) không nặng về dinh dưỡng toàn diện như thức ăn mà chỉ bổ sung vi chất nào đó cho cơ thể như vitamin và khoáng chất, chất xơ, bổ sung các chất dinh dưỡng đặc biệt khác, thực phẩm giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường tiêu hoá…”, GS Lân Dũng giải thích.


Ảnh: L.T.C

Ảnh: L.T.C

Còn GS. TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế (ảnh trên), khẳng định luôn: Thực phẩm chức năng không có công dụng hỗ trợ điều trị. Bởi theo định nghĩa được Bộ Y tế công nhận, TPCN chỉ có tác dụng “tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”.

Cũng theo ông Quang, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng Thực phẩm bảo vệ sức khỏe với danh nghĩa thực phẩm hỗ trợ điều trị để bán hàng với giá trên trời, cung cấp thông tin sai lệch, lừa đảo người tiêu dùng... do đó, loại thực phẩm chức năng này cần phải được quản lý chặt chẽ.

Quản lý không theo kịp đà tăng trưởng

Một vấn đề khác được các thành viên của buổi Tọa đàm quan tâm đó là khung pháp lý quản lý thực phẩm chức năng chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng của ngành này.

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam trong những năm qua đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2.000 mới chỉ có 63 sản phẩm TPCN do 13 cơ sở sản xuất thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với hơn 20.000 sản phẩm được công bố với thành phần cấu tạo hết sức phức tạp.

Còn theo số liệu từ Bộ Y tế, số sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường tăng nhanh theo từng năm. Nếu năm 2014 chỉ có 1.062 sản phẩm mới đăng ký thì 1 năm sau đã tăng gấp 10 lần và năm 2016 cũng có số lượng đăng ký mới tương tự như 2015.

Kéo theo đó là tình trạng sản xuất thực phẩm chức năng giả; Sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng chất lượng đã công bố; Quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, cường điệu hóa công dụng của sản phẩm; Sản xuất thực phẩm chức năng không đảm bảo vệ sinh.

Mặc dù TPCN tăng trưởng mạnh mẽ và nảy sinh nhiều bất cập như vậy nhưng cho đến nay mới chỉ có Thông tư 43 quy định về quản lý thực phẩm chức năng (24/11/2014).


Ảnh: L.T.C

Ảnh: L.T.C

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn (ảnh trên) cho rằng chính điều này “dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, bảo quản TPCN chưa được chặt chẽ”. Nguyên Thứ trưởng kiến nghị: Bộ Y tế có thể xem xét và kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định, chứ không thể là Thông tư.

Theo tôi ít nhất phải có 3 Nghị định ra đời, nhưng hiện nay chưa có Nghị định nào cả, do đó, khi có những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ Y tế thì Bộ Y tế không giải quyết được. Do đó, theo tôi cần thiết phải xây dựng Nghị định”, PGS Trịnh Quân Huấn nói.

Còn theo GS Nguyễn Lân Dũng, “Rất cần có Nghị định bởi vì đây là sản phẩm liên quan tới con người”.

Trên thực tế, hiện Bộ Y tế đang trình dự thảo Nghị định Quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm chức năng.

Ông Nguyễn Hùng Long, Cục phó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết: “Việc xây dựng nghị định sẽ giúp việc quản lý TPCN tốt hơn”.

Đồng thời ông Long cũng cho biết sẽ chọn lọc tên Nghị định sao cho mang tính nội hàm và bao quát hơn sau khi ông Trần Đáng kiến nghị nên đổi tên Nghị định thành Nghị định Quản lý thực phẩm chức năng.

Trần Phương