1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực phẩm bẩn trốn trong chung cư, chờ "chốt đơn"

Minh Nhật

(Dân trí) - Qua kết quả điều tra, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được các đối tượng tinh vi cất giấu ở các kho nhỏ phân tán rất khó tiếp cận.

Thương mại điện tử khiến việc quản lý thực phẩm bẩn trở nên rất khó khăn.

Đây là vấn đề được ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường nêu ra tại Hội nghị trực tuyến "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm" diễn ra ngày 21/5 tại Hà Nội.

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị, gây hoang mang, lo lắng cho người dân và gây bức xúc cho xã hội.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, vấn đề sản phẩm nhập lậu là động vật và thực vật trong thời gian qua ở nước ta diễn biến rất phức tạp.

"Do nước bạn thực hiện rào chắn nhiều nên hàng hóa vi phạm chuyển hướng từ đường tiểu ngạch sang chính ngạch. Các đối tượng đưa hàng hóa vi phạm với số lượng rất lớn bằng container theo đường chính ngạch vào Việt Nam", ông Lê cho hay.

Thực phẩm bẩn trốn trong chung cư, chờ chốt đơn  - 1

Các loại thực phẩm bán trên sàn thương mại điện tử khó kiểm soát (Ảnh minh họa: Chụp màn hình).

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường chỉ ra một yếu tố mới gây khó khăn trong công tác kiểm soát thực phẩm bẩn, kiểm soát các vi phạm là sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử.

"Thực phẩm được bán tràn lan trên mạng thiếu sự kiểm soát. Các công ty chuyển phát len lỏi đến các ngõ xóm giúp các đối tượng sản xuất kinh doanh sản phẩm không an toàn dễ dàng hơn trong việc đưa thực phẩm không an toàn lên thị trường", đại diện Tổng cục Quản lý thị trường thông tin.

Qua kết quả điều tra, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được các đối tượng tinh vi cất giấu ở các kho nhỏ phân tán ở vùng hẻo lánh rất khó tiếp cận.

Đáng chú ý, gần đây lực lượng quản lý thị trường còn phát hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng được đưa vào cất giấu ở khu chung cư hay các vùng hẻo lánh.

Khi có đơn hàng thương mại điện tử, những mặt hàng này sẽ được vận chuyển sâu vào nội địa.

"Chúng tôi có những tháng cao điểm tiến hành hơn 3.500 cuộc kiểm tra, xử phạt hơn 2.900 vụ và số tiền xử phạt cùng số hàng hóa bị xử lý hơn 20 tỷ đồng", ông Lê thông tin.

Trong hội nghị, ông Lê chỉ ra những vụ xử lý thực phẩm vi phạm lớn đã được phát hiện trong 5 tháng đầu năm như sau:

Tháng 1/2024 Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra kho đông lạnh ở huyện Chương Mỹ, thu 40 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc nhiễm virus dịch tả lợn để trong 2 kho đông lạnh.

Tháng 3/2024 Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang kiểm tra ô tô phát hiện 1,4 tấn mỡ lợn không có nguồn gốc xuất xứ.

Tháng 4/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ hơn một vạn con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ông Lê nhấn mạnh: "Vấn đề thực phẩm nhập lậu, vi phạm đang rất nhức nhối, quy mô các vụ việc tăng lên rất lớn so với trước đây. Có thể thấy qua những vụ việc phát hiện cả vạn con vịt thay vì vài chục, vài trăm con hay các vụ phát hiện nhiều tấn thực phẩm bẩn".

Theo Cục An toàn thực phẩm, trung bình trong 5 năm gần đây mỗi năm ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong.

Trong 5 tháng đầu năm ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên số mắc tăng hơn 1.000 người.