Thực hư thông tin bé 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu được phẫu thuật thành công
(Dân trí) - Từ tối 21/1, một số tài khoản xã hội đã chia sẻ thông tin bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng 9 cái đinh vào đầu, đã được phẫu thuật lấy đinh thành công, sức khỏe cải thiện.
Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí sáng 22/1, người nhà cháu bé Đ.N.A. khẳng định, bé A. vẫn đang phải điều trị hồi sức tích cực, chưa thể phẫu thuật.
Đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng xác nhận, thông tin bé gái được phẫu thuật thành công là không chính xác. Hiện tình trạng cháu bé vẫn đang rất nặng. Các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu nhi đang tích cực điều trị hồi sức cấp cứu cho cháu bé.
Trước đó, người nhà bé A. chia sẻ, phía bệnh viện có thông tin, nếu tình trạng bé A. diễn biến tốt hơn sẽ hội chẩn để mổ lấy dị vật ra cho bé.
Phân tích về việc cháu bé bị đóng 9 cái đinh vào đầu nhưng nhìn bên ngoài khó phát hiện, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: "Nghe đóng đinh vào đầu tưởng như không thể, bởi sẽ gây ra đau đớn, đầu được hộp sọ cứng bảo vệ. Tuy nhiên, ở trẻ em thì khác, người ta hay nói đầu trẻ "mềm", do cấu tạo hộp sọ của bé đang phát triển nên có những đường thóp, đường khớp trên hộp sọ".
Với trẻ khoảng 3 tuổi thì đa số đã liền đường thóp, nhưng vẫn có những đường khớp rạch giữa, rạch ngang xung quanh, hay nói nôm na là khe hở được da đầu, tóc bao bọc, nhìn không thấy, nhưng sờ có thể cảm nhận.
Hộp sọ của trẻ không kín hoàn toàn, mà có thể có những khe hở, nếu sờ đúng những khe hở đó, đinh sẽ vào sâu. Hơn nữa, khi chọc đúng những chỗ hở này, trẻ cũng sẽ ít đau.
Với trường hợp bé 3 tuổi, PGS Dũng cho rằng khả năng còn đường thóp là ít, nhưng vẫn hoàn toàn có thể. Ngoài ra còn những đường rạch khớp, hoàn toàn có thể xuyên đinh qua.
"Trong thực tế khi chúng tôi chữa bệnh, bác sĩ phải sờ, kiểm tra khe hở hộp sọ để chọc kim qua những đường thóp để hút dịch trong não ra ngoài", PGS Dũng nói.
Ngoài ra, trên não bộ mỗi người còn có "vùng câm", là những vùng não mà không có biểu hiện ra bên ngoài, chọc vào thậm chí không chảy máu, dị vật xuyên qua, nếu không dùng lực mạnh thì khó để lại dấu vết.
Theo PGS Dũng, việc quan trọng lúc này là các bác sĩ tập trung cứu em bé. Nếu bé được cứu sống, những di chứng về não bộ chắc chắn sẽ có nhưng cần phải đánh giá. Các nguy cơ có thể xảy ra như động kinh, trẻ đi lại loạng choạng, phát triển chậm... cần được theo dõi, khi em bé may mắn qua được nguy kịch.