Thực hư sừng tê giác, vảy tê tê có thể chữa bách bệnh

Nam Phương

(Dân trí) - 8% số người được hỏi cho biết đã ít nhất một lần dùng các sản phẩm từ tê giác, voi, tê tê. Nhiều người tin sừng tê giác, vảy tê tê có thể chữa bách bệnh, tuy nhiên thực chất đây chỉ là lời đồn thổi.

Tại buổi họp báo giới thiệu bộ ảnh truyền thông giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật diễn ra tại Hà Nội ngày 27/9, các chuyên gia bày tỏ quan ngại khi nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã và sản phẩm từ chúng vẫn tiếp tục gia tăng tại Việt Nam.

Chúng có thể được sử dụng với mục đích làm thuốc, làm thú cưng, thực phẩm xa xỉ, quà tặng… Điều này đã thúc đẩy nạn săn bắn trái pháp luật trong nước cũng như gia tăng việc nhập khẩu các loài hoang dã và sản phẩm của chúng từ các quốc gia khác. 

Thực hư sừng tê giác, vảy tê tê có thể chữa bách bệnh - 1

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: "Chúng ta phải bảo vệ động thực vật hoang dã, giảm thiểu đến tối đa việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là động vật hoang dã quý hiếm".

Theo ông, người tiêu dùng các sản phẩm này là người có thu nhập cao, doanh nhân thành đạt, quan chức… 

Năm 2022, dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp đã tiến hành các khảo sát hành vi người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, khảo sát tập trung vào 5 loài chính gồm voi, tê giác, tê tê, rùa cạn và rùa nước ngọt. 

Bà Bùi Thúy Nga, Quản lý Chương trình Cấp cao, Tổ chức TRAFFIC (mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã) tại Việt Nam, cho biết, kết quả các nghiên cứu cho thấy, 8% trong số 863 người được hỏi thừa nhận có sử dụng hoặc mua các sản phẩm từ tê giác, voi hoặc tê tê trong 12 tháng gần nhất.

Ngoài ra, 8% cho biết họ có họ có ý định mua những sản phẩm này trong tương lai. 

Thực hư sừng tê giác, vảy tê tê có thể chữa bách bệnh - 2

Bà Bùi Thúy Nga, Quản lý Chương trình Cấp cao, Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam (Ảnh: N.L).

Một khảo sát khác với sự tham gia của 700 người cho thấy, khoảng 5% số này đã mua rùa nước ngọt và rùa cạn cho các mục đích khác nhau trong 12 tháng gần nhất, trong đó mua để phóng sinh là mục đích chính (chiếm 43%). 

"Một trong những lý do người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm từ voi, tê giác, tê tê làm thuốc là vì sử dụng chúng dễ dàng và không có tác dụng phụ. Một số khác coi việc sử dụng các sản phẩm này là cách thể hiện đẳng cấp, địa vị của mình vì chúng rất quý hiếm, có giá trị cao", bà Nga phân tích. 

Bà Nga cho biết, rào cản hành vi của việc mua bán sử dụng các sản phẩm này là người dân hiểu mua bán sử dụng là trái pháp luật và chưa có bằng chứng khoa học về tác dụng dược lý của các sản phẩm này. 

Công dụng của sừng tê giác, vảy tê tê chỉ là "đồn thổi"

Năm 2022, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhi 22 tháng tuổi bị ngộ độc do uống bột mài ra từ sừng tê giác nhằm hạ sốt.

Theo các chuyên gia, thực tế sừng tê giác được săn lùng nhiều tại châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam và Trung Quốc là do ảnh hưởng từ y học cổ truyền có từ hàng ngàn năm trước với quan niệm sừng tê giác có tính hàn có thể hạ sốt, chữa chảy máu cam, thanh nhiệt lương huyết và giải độc.

Một số người lại tin rằng sừng tê giác có thể chữa bách bệnh, đặc biệt là bệnh nan y như ung thư, hay được dùng để giải rượu, hoặc tăng cường sức mạnh nam giới.

Tương tự, vảy tê tê cũng được đồn thổi như "thần dược", có thể chữa đái tháo đường, tăng cường sinh lực, điều trị ung thư, chữa viêm xoang...

Với niềm tin cho rằng, vảy tê tê có thể chữa bách bệnh, một số người Việt Nam lùng mua vảy tê tê với giá cao. Điều này vô hình trung biến Việt Nam vừa trở thành thị trường trung chuyển vảy tê tê sang các nước khác, vừa là nơi tiêu thụ tê tê. 

Trên thực tế, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh được các công dụng của sừng tê giác hay vảy tê tê như vậy.

Các nhà khoa học đã "giải phẫu" sừng tê giác và nhận thấy chúng có cấu trúc dạng ống liên kết với nhau. Cấu trúc này giống với cấu trúc của mỏ chim và móng ngựa. 

Bề mặt của sừng tê giác là một vỏ bọc keratin cứng. Keratin là một dạng protein hình sợi, được tìm thấy trong tóc, móng tay của con người và vuốt của các loài động vật, móng ngựa. Kết cấu bên trong của sừng tê giác là một khối dày đặc được tạo thành từ canxi và melanin. 

Trong nỗ lực giảm cầu các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật ở Việt Nam, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp giới thiệu bộ thông điệp và hình ảnh sáng tạo hướng tới thay đổi hành vi người tiêu dùng.

5 bộ thông điệp và hình ảnh đã được xây dựng dựa trên các yếu tố về văn hóa địa phương, tác động tới các động cơ tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.