Sừng tê giác có thực sự là "tiên dược" như đồn thổi?

Nam Phương

(Dân trí) - Một số người tin rằng sừng tê giác có thể chữa bách bệnh, đặc biệt là bệnh nan y như ung thư hoặc giúp tăng cường sức mạnh nam giới. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời đồn thổi.

Chia sẻ tại hội thảo tăng cường quản lý sử dụng các thành phần tự nhiên hợp pháp và bền vững trong sản xuất thuốc đông dược diễn ra ngày 21/7, TS Trần Xuân Nguyên, Trưởng ban chuyên môn Hội Đông Y Việt Nam cho biết, nhiều người vẫn còn lầm tưởng về tác dụng bị thổi phồng của các vị thuốc cổ truyền từ động vật hoang dã.

"Họ vẫn tìm mua các sản phẩm như mật gấu, cao hổ, sừng tê giác, vảy tê tê... mà không biết chúng đều là các sản phẩm bất hợp pháp. Chúng không có công dụng thần dược như quảng cáo, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh từ việc trực tiếp sử dụng và mua bán chúng", TS Nguyên nói. 

Sừng tê giác có thực sự là tiên dược như đồn thổi? - 1

Sừng tê giác không có tác dụng thần kỳ như nhiều người lầm tưởng (Ảnh minh họa: Istock).

Bên cạnh đó, việc sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trực tiếp làm gia tăng hoạt động tội phạm săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã khiến nhiều loài đã biến mất, một số bị đe dọa tuyệt chủng.  

Năm 2016, cuộc "giải phẫu" theo phương thức của y học hiện đại đã được các chuyên gia của Đại học Ohio, Mỹ thực hiện thông qua chụp cắt lớp và làm các thí nghiệm chuyên sâu. Kết quả, sừng tê giác có cấu trúc dạng ống liên kết với nhau. Cấu trúc này giống với cấu trúc của mỏ chim và móng ngựa. 

Bề mặt của sừng tê giác là một vỏ bọc keratin cứng. Keratin là một dạng protein hình sợi, được tìm thấy trong tóc, móng tay của con người và vuốt của các loài động vật, móng ngựa. Kết cấu bên trong của sừng tê giác là một khối dày đặc được tạo thành từ canxi và melanin. 

Theo TS Nguyên, sừng tê giác được săn lùng nhiều tại châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam và Trung Quốc là do ảnh hưởng từ y học cổ truyền xuất phát từ hàng ngàn năm trước với quan niệm sừng tê giác có tính hàn có thể hạ sốt, chữa chảy máu cam, thanh nhiệt lương huyết và giải độc.

"Một số người tin rằng sừng tê giác có thể chữa bách bệnh, đặc biệt là bệnh nan y như ung thư hay dùng để giải rượu hoặc tăng cường sức mạnh nam giới. Tuy nhiên trên thực tế, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh được các công dụng của sừng tê giác như vậy", TS Nguyên nhấn mạnh.           

Sử dụng động, thực vật hoang dã như các vị thuốc trong các bài thuốc y học cổ truyền có lịch sử từ hàng nghìn năm và đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức các loài động thực vật hoang dã đang đặt ra thách thức cho sự phát triển bền vững. 

Tiến sĩ Đỗ Thế Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam cho biết thêm, hiện nay, thị trường dược phẩm tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức làm sao để khai thác nguồn nguyên liệu tự nhiên này một cách bền vững và hiệu quả. 

Khai thác quá mức và lạm dụng sử dụng sẽ dẫn đến sự suy kiệt và thậm chí nhiều loài động vật hoang dã chỉ vì các bộ phận và sản phẩm từ chúng được người dân săn lùng đã bị hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.

Bà Bùi Thúy Nga, Quản lý chương trình của Tổ chức TRAFFIC (mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã) tại Việt Nam cho biết, nhu cầu sử dụng dược liệu từ động vật hoang dã ngày càng gia tăng. Tại nước ta, việc khai thác động thực vật hoang dã với mục đích làm dược, mục đích khác vẫn còn tồn tại. 

Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã tuyệt chủng 10 loài động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có tê giác một sừng, tê giác hai sừng, cá sấu hoa cà… 

"Nhu cầu sử dụng trong đông y không phải là nguyên nhân quan trọng và duy nhất dẫn đến sự suy giảm của các giống loài động vật hoang dã nhưng có phần nào đó. Chúng tôi mong muốn truyền thông để khuyến khích mọi người không sử dụng các sản phẩm từ các loại động vật hoang dã được bảo vệ", bà Nga nói.

Tại hội thảo, 10 doanh nghiệp y, dược phẩm và 2 viện nghiên cứu về y học cổ truyền đã ký cam kết không sử dụng dược liệu, thành phần có nguồn gốc từ các loài động vật hoang dã trái pháp luật.