Thực hiện y tế toàn dân sẽ giảm tiền chi tiêu của người bệnh

(Dân trí) - Ngày 27/9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án BHYT toàn dân. Bộ Y tế cam kết sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đổi mới cơ chế tài chính. Mục tiêu đến năm 2015 giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40%.

Thực hiện y tế toàn dân sẽ giảm tiền chi tiêu của người bệnh
 
Chất lượng điều trị của bệnh nhân BHYT sẽ ngày càng được tăng lên, BHYT cũng chia sẻ gánh nặng viện phí cho người bệnh. Ảnh: H.Hải

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện mức chi tiêu trực tiếp tiền túi của hộ gia đình ở mức khoảng 49% tổng chi y tế, trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, chi phí này không nên vượt quá 30%. Vì thế, trong đề án BHYT toàn dân, khi thúc đẩy được toàn dân tham gia BHYT, mức chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình sẽ dần được giảm xuống. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm xuống dưới 40%  và dưới 30% vào năm 2020.

Một vấn đề còn rất khó khăn, đó làm nhiều người chưa hiểu được lợi ích của thẻ BHYT. Ngay cả nhiều hộ nghèo được hỗ trợ thẻ BHYT 100% nhưng cũng không phải ai biết để dùng thẻ. Đến khi vào viện mới ngỡ ngàng vì số tiền phải chi trả.

Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết, Khoa Hồi sức tích cực là nơi tập trung nhiều bệnh nhân nặng, phải nằm lâu, trường hợp nào thì ít cũng 1-2 tuần, dài hơn có thể đến cả tháng. Đã bệnh nặng thì phải dùng thuốc, phương tiện đắt tiền, cũng vì thế mà số tiền điều trị của các bệnh nhân ở đây rất cao, từ 20 - 30 triệu đồng cho một đợt điều trị, còn những bệnh nhân nặng như sốc do nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nhiễm trùng uấn ván có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Nếu như một bệnh nhân nhiễm trùng uấn ván có thẻ BHYT, số tiền được BHYT chi trả tới 80%. Cụ thể, với một ca điều trị nếu hết 100 triệu thì trung bình được thanh toán 80 triệu, người bệnh chỉ phải chi trả 20 triệu còn lại. Nhưng ngược lại, không có thẻ BHYT, người bệnh sẽ phải gánh toàn bộ khoản chi phí này.

BS Lê cho biết thêm, bệnh tật là cái không thể lường trước. Đơn cử những người bị  liên cầu khuẩn do ăn tiết canh, có trường hợp bị viêm phổi hoặc bị uốn ván sau một lần đá bóng bị bật móng chân…. Đó là những tai nạn, bệnh lý bất ngờ, không thể lường trước nên mọi người không nên có tâm lý có bệnh mới mua thẻ BHYT.

Bà Tống Thị Song Hương cho rằng, người bệnh vẫn có tâm lý ngại dùng thẻ BHYT, không mua thẻ BHYT khi còn khỏe mạnh… một phần nguyên nhân là do chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thủ tục còn phiền hà, quy trình chuyển tuyến còn phiền hà hoặc thẻ chỉ có giá trị tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng. Danh mục thuốc, kỹ thuật, vật tư y tế tiêu hao và vật tư thay thế không được cập nhật thường xuyên nên người bệnh chưa được thụ hưởng đầy đủ.

Vì thế, các chuyên gia hy vọng với chính sách viện phí mới, chất lượng khám, chữa bệnh sẽ được tăng lên, khi đó người bệnh sẽ càng nhận rõ được lợi ích của thẻ BHYT để tham gia BHYT, hướng tới BHYT toàn dân.

Mục tiêu của đề án BHYT toàn dân là mở rộng phạm vi bảo phủ của bảo hiểm y tế: tỷ lệ người tham gia, phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng, giảm chi từ tiền túi của người dân.

Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2015 có trên 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế, con số này đến năm 2020 là trên 80% và tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị Chính Phủ nâng mức hỗ trợ phí mua thẻ bảo hiểm y tế. Cụ thể, với nhóm học sinh, sinh viên được đề nghị mức hỗ trợ tối thiểu lên đến 50% mức đóng bảo hiểm y tế. Với hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình cũng nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% và tham gia theo hình thức hộ gia đình. Tương tự với nhóm cận nghèo cũng đề xuất ngân sách Nhà nước hỗ trợ nốt 30% giá trị tiền thẻ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có 60 nước thực hiện cơ chế bảo hiểm y tế. Thời gian quá độ để đạt được mục tiêu toàn dân tham gia bảo hiểm y tế của mỗi nước rất khác nhau. Chẳng hạn, Đức mất 127 năm, Áo 79 năm, Hàn Quốc 26 năm, Nhật Bản 36 năm...

Trong khuôn khổ hội nghị Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63, Việt Nam có sáng kiến tổ chức một diễn đàn cao cấp về bảo hiểm y tế toàn dân và được chia sẻ nhiều kinh nghiệm. Như tại Hà Quốc, nước này đưa ra chương trình bảo hiểm y tế từ năm 1977, sau đó mở dần đối tượng tham gia và đến nay thì cả 50 triệu người dân nước này đã có mã số bảo hiểm y tế. Hay như Singapore đạt tỷ lệ bao phủ 92% cũng áp dụng hình thức đồng chi trả. Người dân chi trả một phần, Chính phủ trả thông qua bảo hiểm.

Theo tiến sĩ Shin Young-Soo, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, bảo hiểm y tế toàn dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ các nước để ngành y tế phát triển về dài hạn. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính cho y tế, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đội ngũ cán bộ cũng rất cần thiết. Mỗi nước cần có thách thức riêng phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội của mình.

Hồng Hải