Làm gì để phát hiện sớm ung thư vú?
(Dân trí) - Ung thư vú đôi khi được phát hiện sau khi các triệu chứng xuất hiện, nhưng nhiều phụ nữ bị ung thư vú không có triệu chứng. Đây là lý do tại sao tầm soát ung thư vú định kỳ lại rất quan trọng.
Chia sẻ tại tọa đàm "Hợp tác y tế Việt Nhật, các phương pháp tiên tiến trong chẩn đoán, dự phòng và điều trị bệnh của Nhật Bản" trong khuôn khổ triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam lần thứ 31 diễn ra chiều 9/5 tại Hà Nội, GS.TS Fukuma Eisuke, Trưởng khoa bệnh lý tuyến vú, Trung tâm Y tế Kameda (Nhật), cho biết, ung thư vú cũng là một bệnh ung thư phổ biến tại Nhật.
Tỷ lệ mắc tăng khá nhiều trong thời gian gần đây. Theo Thống kê ung thư của Trung tâm Ung thư quốc gia, vào năm 1985 ước tính cứ 30 phụ nữ Nhật thì có 1 người sẽ mắc bệnh ung thư vú trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên đến năm 2015, con số này đã tăng lên, cứ 9 phụ nữ Nhật thì có 1 người sẽ mắc bệnh ung thư vú trong suốt cuộc đời.
Trong khi đó, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư vú sau 5 năm ở giai đoạn đầu lên đến 99,8%, chi phí điều trị cũng ít hơn so với các giai đoạn khác. Tỷ lệ này ở giai đoạn 4 chỉ là 35,4%.
"Vì thế, nhằm phát hiện sớm ung thư vú, từ cuối những năm 1990, Chính phủ Nhật đã trang bị hệ thống y tế nhằm phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm như chụp nhũ ảnh, sinh thiết vú hỗ trợ hút chân không, chụp cộng hưởng từ…, tổ chức khóa đào tạo. Đồng thời xây dựng các quy trình phù hợp với các biến chứng nhỏ", TS Fukuma Eisuke.
Tại Bệnh viện Kameda, tỷ lệ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn đầu chiếm đến 70% (27% ở giai đoạn 0, 43% ở giai đoạn 1). Dù vậy, ung thư giai đoạn cuối hiện vẫn là thách thức trong điều trị.
Bên cạnh đó, theo TS Fukuma Eisuke, các phương pháp phẫu thuật điều trị ung thư vú cũng được cải tiến nhiều, từ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú, cơ ngực tiến đến phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú, bảo tồn cơ ngực, phẫu thuật cắt bỏ một phần vú, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật bằng robot, liệu pháp lạnh không xâm lấn...
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25,8% tổng số các loại ung thư thường gặp ở nữ giới và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Nhiều ca ung thư vú vẫn phát hiện muộn, do chị em phụ nữ có tâm lý e ngại đi khám, sàng lọc. Nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều... Vì thế, vai trò của tầm soát sớm ung thư vú rất quan trọng
Ung thư vú được xếp vào nhóm có thể phát hiện được ở giai đoạn sớm. Ung thư vú được phát hiện sớm, khi còn nhỏ và chưa lan rộng sẽ dễ điều trị thành công hơn. Làm xét nghiệm sàng lọc thường xuyên là cách đáng tin cậy nhất để phát hiện sớm ung thư vú.
Ung thư vú được phát hiện trong quá trình khám sàng lọc thường có kích thước nhỏ hơn và ít có khả năng lây lan ra ngoài vú hơn. Kích thước của ung thư vú và mức độ lan rộng của nó là yếu tố quan trọng nhất để tiên lượng tiến triển của bệnh.
Phụ nữ trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú bằng siêu âm tuyến vú hoặc chụp X-quang tuyến vú 1 năm/ lần.
Với những phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú việc tầm soát cần được thực hiện sớm hơn, nên siêu âm tuyến vú, chụp X-quang tuyến vú và chụp cộng hưởng từ tuyến vú 1 năm/ lần.
Yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú bao gồm tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, tiền sử có kinh sớm (trước 12 tuổi) mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc hormon nội tiết estrogen thay thế, không sinh con hoặc sinh con muộn sau 30 tuổi…