1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực hiện 2 ca mổ cùng lúc cứu bé trai bị suy tim, khe hở môi rộng

(Dân trí) - Bị tim bẩm sinh kèm thêm khe hở môi rộng, bé trai (Ninh Bình) không thể bú mẹ, ăn uống hay bị sặc, dễ viêm phổi. Dù trẻ nhẹ cân, còn nhỏ, bác sĩ vẫn quyết định phẫu thuật sửa đồng thời hai dị tật này.

Bé trai sinh thường lúc 38 tuần, nặng 2,7kg tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Mẹ bé cho biết trong quá trình mang thai, chị khỏe mạnh, không ốm. Vì thế thấy con chào đời bị dị tật khe hở môi lớn, cộng thêm bị tim bẩm sinh khiến gia đình rất bất ngờ. Tuy nhiên, khi đó các bác sĩ cũng chỉ dặn về nhà chăm sóc, đợi con lớn hơn sẽ tiến hành phẫu thuật.

Thực hiện 2 ca mổ cùng lúc cứu bé trai bị suy tim, khe hở môi rộng - 1
Trẻ vừa bị tim bẩm sinh vừa dị bị dị tật khe hở môi rộng. Hình ảnh trẻ trước khi phẫu thuật.

Theo lời kể của gia đình trẻ hay khó thở, thở khò khè, mỗi lần khóc là tím tái cả người. Việc ăn uống của trẻ cũng không hề dễ dàng. Dị tật khe hở môi và vòm miệng lớn khiến bé không có khả năng bú mẹ. Gia đình phải dùng thìa đổ sữa cho con. Tuy nhiên, bé ăn cũng hay bị sặc, trớ; cộng thêm hay bị ốm khiến con tăng cân rất chậm. 

Gần đây, gia đình đưa con vào Bệnh viện Nhi Ninh Bình với triệu chứng khó thở. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp viêm phổi nặng do bệnh tim bẩm sinh (thông liên thất rộng), khe hở môi rộng. Trẻ phải đặt nội khí quản và thở máy.

Sau điều trị thở máy không có tiến triển, không rút được máy thở nên đã hội chẩn với các bác sĩ Trung tâm tim mạch bệnh viện E. Trẻ được chuyển đến khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em, Bệnh viện E Trung ương (Hà Nội). 

Tại đây, các bác sĩ xác định trước tiên phải xử lý tình trạng viêm phổi và rút được máy thở. Trẻ được rút máy thở sau 2 ngày. Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và bác sĩ tạo hình thẩm mỹ hội chẩn để tiến hành phẫu thuật sửa dị tật tim bẩm sinh và dị tật khe hở môi. Lúc này trẻ mới được 45 ngày tuổi, chỉ nặng 3kg. 

Thực hiện 2 ca mổ cùng lúc cứu bé trai bị suy tim, khe hở môi rộng - 2

Hình ảnh trẻ sau khi được phẫu thuật vá lỗ thông liên thất và tạo hình

TS.BS Đỗ Anh Tiến, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch trẻ em, Bệnh viện E cho biết, trẻ bị dị tật tim bẩm sinh, thông liên thất lỗ rộng, gây tăng áp động mạch phổi rất nặng, dẫn đến viêm phổi, suy tim van. Đặc biệt, trẻ còn kèm thêm dị tật khe hở môi nặng khiến nguy cơ bị viêm phổi của trẻ cao hơn rất nhiều lần. Tình trạng suy tim bắt buộc trẻ cần phải mổ càng sớm càng tốt. 

Trong khi đó bị dị tật khe hở môi của trẻ cũng ở mức độ nặng. Ths.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình-Thẩm mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E cho biết dị tật khe hở môi được chia làm 4 độ thì cháu bé bị hở độ 4. Đây là loại khe hở môi khó, khe hở môi kép cả hai bên toàn bộ chiều cao của môi đến tận nền mũi, kèm theo dị tật khe hở vòm, khe hở cung răng. 

“Dị tật khe hở môi và vòm miệng lớn khiến trẻ khó khăn trong việc ăn uống. Trẻ không có khả năng bú mẹ, khi ăn hay sặc, trớ do thức ăn đi vào mũi, đường hô hấp (mũi miệng thông nhau)”, BS Minh cho biết.

Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị viêm đường hô hấp do thở bằng khoang miệng gây khô đường hô hấp. Nếu không can thiệp, khi lớn trẻ sẽ bị nói ngọng vòm miệng bị hở gây thoát hơi. Trẻ không nói được các âm bật như P, B…

Trẻ bị vừa bị tim bẩm sinh vừa bị dị tật khe hở môi lớn. Điều này đặt ra cho phẫu thuật viên phải lựa chọn can thiệp tim trước hay sửa dị tật khe hở môi trước.

Theo BS Tiến, thực hiện phẫu thuật nào trước cũng sẽ rất khó khăn trong khâu chăm sóc, hồi sức giai đoạn sau. Tối ưu nhất là thực hiện cả hai ca mổ trong một lần gây mê. Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng thực hiện được. 

Thực hiện 2 ca mổ cùng lúc cứu bé trai bị suy tim, khe hở môi rộng - 3

Hai ca mổ thực hiện trong 5 tiếng.

Rất may là tại Bệnh viện E có cả kíp mổ tim trẻ em và tạo hình, có thể thực hiện được cả hai can thiệp trên trong một lần mổ. 

Việc can thiệp sửa dị tật ở tim, môi cùng lúc sẽ giúp tránh cho trẻ nguy cơ một lần nữa gây mê. Ngoài ra, việc tạo hình môi giúp cho trẻ ăn uống và gia đình chăm sóc dễ hơn. Gia đình và bản thân trẻ không bị tự ti do các biến dạng vùng mặt. 

Ca mổ gồm 2 kíp phẫu thuật tim nhi và phẫu thuật tạo hình. Do trẻ còn nhỏ (45 ngày tuổi), phẫu trường nhỏ nên phải từng kíp tiến hành phẫu thuật lần lượt. Điều này sẽ kéo dài thời gian phẫu thuật, thời gian gây mê cho trẻ. Vì thế các bác sĩ đều cố gắng rút ngắn thời gian phẫu thuật nhanh nhất có thể. Hai ca mổ thực hiện trong khoảng 5 giờ đồng hồ.

Trẻ có lỗ thông liên thất khá lớn, gấp 1,5 lần lỗ van động mạch chủ, vị trí quanh màng. Kíp phẫu thuật tim đã mổ vá lỗ thủng bằng miếng vá nhân tạo. 

Về phẫu thuật tạo hình, trẻ được phẫu thuật tái tạo khe hở môi bằng kỹ thuật Millard cải tiến giúp khe hở đóng được hoàn toàn và có bờ cong môi tròn trịa, khắc phục hoàn toàn dị tật. Khe hở vòm sẽ được đóng tiếp theo khi cháu bé được khoảng 12 tháng tuổi.

Theo BS Minh, một trong những khó khăn của bác sĩ tạo hình là do trẻ nhẹ cân, vùng môi của trẻ quá nhỏ vì thế việc tạo hình khá khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ. Ngoài ra cần phải thực hiện kỹ thuật một cách nhanh chóng do thời gian gây mê không quá kéo dài với bệnh nhân có can thiệp tim. Khe hở môi kép cũng là loại khe hở khó, khe hở của bệnh nhân rộng, phần tiền hàm biến dạng nặng nề kéo cao hẳn lên trên. 

Hiện sức khỏe của trẻ ổn định, rút được máy thở, đã được ghép với mẹ, kết quả tốt về mặt tạo hình thẩm mỹ, siêu âm tim lỗ thông được vá kín, chức năng tim tốt. Các vết mổ liền tốt. Trẻ có thể xuất viện trong vài ngày tới. 

Nam Phương