1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phẫu thuật khe hở môi - vòm miệng: không đơn giản là đóng chỗ hở

(Dân trí) - Ước tính có khoảng 2.000 trẻ sinh ra mắc dị tật khe hở môi và khe hở vòm miệng cần được phẫu thuật kịp thời và đúng kỹ thuật để phục hồi chức năng bú mẹ, nhai, cắn cũng như tập nói sau này.

Phẫu thuật khe hở môi - vòm miệng: không đơn giản là đóng chỗ hở - 1

Bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội khám cho trẻ có khe hở môi - vòm miệng
trước khi phẫu thuật.

Hãy để con được sống…

Dị tật khe hở môi – vòm miệng thường có thể phát hiện qua siêu âm thai. Đây là 1 dị tật khiến trẻ dễ bị kỳ thị, cô lập do không thể nói năng, ăn uống như bình thường. Vì vậy, nhiều người đã quyết định bỏ thai.

Tuy nhiên, nhờ các chương trình phẫu thuật nhân đạo và những bước tiến trong kỹ thuật, tay nghề, ngày càng có nhiều em bé bị khe hở môi – vòm miệng trở thành những người bình thường như bao người người khác nên nhiều gia đình đã yên tâm giữ con lại.

Như trường hợp của chị T. ở Thái Bình đã đưa con đến bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương để thực hiện phẫu thuật vào ngày 13/3.

Chị T. cho biết: “Từ lúc bác sĩ siêu âm (tháng thứ 5) cho biết con tôi bị khe hở môi – vòm miệng, cả gia đình tôi đã vô cùng sốc. Cả hai vợ chồng, gia đình nội ngoại đều rất đau lòng. Thậm chí, có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện phải bỏ thai, vì không thể chịu nổi khi nghĩ sau này con tôi phải chịu đựng một cuộc sống của trẻ khuyết tật. Cuối cùng, tôi đã gọi điện cho bác sĩ ở bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương để xin tư vấn. Rất may, bác sĩ đã động viên và nói rằng, 5 tháng, nó đã là một đứa trẻ, một con người rồi. Hãy để con được sống”.

Nhờ sự động viên này, gia đình chị T. đã bình tâm lại và chỉ sau sinh vài ngày, cháu đã được can thiệp tiền phẫu thuật, giúp cho quá trình phẫu thuật sau này dễ dàng hơn.

Còn chị M. (Lạng Sơn) thì chỉ biết con bị dị tật khe hở môi – vòm miệng khi đã sinh ra bởi chị mang song thai và 2 bé úp mặt vào nhau khi ở trong bụng mẹ. Vậy nên chị vô cùng mong mỏi cuộc phẫu thuật trong tháng 3 này bởi con trai 6 tháng tuổi của chị liên tục bị sặc và trớ khi ăn uống.

Phẫu thuật khe hở môi - vòm miệng: không đơn giản là đóng chỗ hở - 2

Các gia đình chia sẻ cùng GS Trịnh Đình Hải - Giám đốc bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội tại lễ khai mạc Tháng phẫu thuật nhân đạo

… và có tương lai tốt đẹp hơn

Là đơn vị đồng hành cùng các chương trình phẫu thuật nhân đạo hở khe môi – vòm miệng hơn 10 năm qua, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã mang lại nụ cười cho hàng chục ngàn em nhỏ không may bị hở khe môi – vòm miệng.

Chỉ trong 2 ngày (11-12/3) đã có hơn 100 bệnh nhi đến khám và sẽ được xếp lịch phẫu thuật trong tháng 3 này với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

GS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc bệnh viện cho biết, điểm mới của đợt phẫu thuật lần này là sử dụng kỹ thuật laser để điều trị sẹo cho các bé.

Bởi quá trình tái khám các trẻ đã được phẫu thuật hở khe môi – vòm việng cho thấy những vết sẹo phẫu thuật đã gây khó khan cho hoạt động của cơ miệng, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm, thậm chí có trẻ vẫn khó ăn khó bú do sẹo.

“Đại đa số các bệnh nhi sau mổ đều bị sẹo làm kéo dính lưỡi xuống bên dưới. Trong khi đó lưỡi rất quan trọng cho việc phát triển xương hàm và xoang. Ở một số nước có điều kiện, các sẹo này sẽ được giải quyết bằng lazer giúp trẻ bú, nuốt nước bọt và đồ ăn như bình thường, từ đó giúp xương hàm phát triển rất tốt và mặt đẹp hơn, đường thở tốt hơn, ngủ không bị ngáy, ... Tôi hy vọng, sau khi các cháu ở Việt Nam khi phẫu thuật đóng vòm môi, miệng cũng sẽ được dùng lazer để cho các sẹo bên trong miệng mềm hơn, không ngăn cản sự phát triển răng hàm, giúp các em phát triển hoàn hảo hơn”, BS Nguyễn Vũ Linh Lan, chuyên gia laser từ Úc chia sẻ.

Nói về kỹ thuật này, GS Trịnh Đình Hải cho biết: “Các bác sĩ ở viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội rất mong muốn có điều kiện để áp dụng các kỹ thuật tiến bộ hơn cho tất cả các cháu, giúp các cháu có được tương lai tốt đẹp hơn. Làm sao để tất cả những trẻ em sau khi phẫu thuật khép khe hở môi - vòm miệng sẽ được điều trị tốt hơn về mặt thẩm mỹ.

Trên thực tế, chương trình phẫu thuật miễn phí của bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương sẽ không chỉ thực hiện trong các tháng cao điểm (mỗi năm khoảng 10 đợt) mà luôn sẵn sàng tiếp nhận các cháu ở bất kỳ thời điểm nào.

“Các gia đình nên liên hệ sớm với bệnh viện để được khám và làm các thủ thuật tiền phẫu thuật nhằm giúp cho việc phẫu thuật sau này được thuận lợi, mang lại kết quả tốt hơn cho các cháu”, GS Trịnh Đình Hải cho biết.

Nhân Hà