1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thực đơn cho người bệnh tim mạch

(Dân trí) - PGS. TS Trần Đình Toán, Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị khẳng định: “Một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học sẽ là một trong những biện pháp điều trị hữu hiệu bệnh tăng huyết áp và xơ vữa động mạch”.

Ăn uống đúng cách


Ăn uống đúng cách

 

“Ðối với phần lớn các bệnh tim mạch, bạn nên kiêng ăn mặn và chất béo. Nó không những làm bệnh thuyên giảm mà bạn còn bớt được chi phí tiền thuốc điều trị”. Đó là lời khuyên của PGS.TS.Trần Đình Toán, Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị.

 

Hạn chế ăn mặn có ýnghĩa đặc biệt quan trọng nếu bị các bệnh suy tim, tăng huyết áp. Ăn mặn nghĩa là bạn phải hạn chế muối. Muối có nhiều trong nước chấm, các loại thức ăn khô như cá khô, chà bông, mắm...

 

Hãy tập thay đổi từ từ, đầu tiên đừng dùng nước chấm khi ăn, tránh các loại mắm, cá thịt khô, nếu cần hãy nấu ăn riêng.

 

Trên phương diện khoa học, việc ăn thiên về chất bột đường mà không có chất đạm sẽ gây ra nguy cơ rối loạn chuyển hóa chất béo và tăng huyết áp, ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch. Do đó, chỉ nên ăn chay xen kẽ với chế độ ăn có thịt, cá và các chất protide khác như trứng, sữa… thì có lợi cho sức khỏe hơn, nhất là ở những người lớn tuổi.

 

PGS.TS Trần Đình Toán cho biết thêm: “Chế độ ăn hợp lý là ăn ít muối, các thành phần dinh dưỡng cân đối giữa tỷ lệ chất béo, chất đạm động vật, chất đạm thực vật và chất bột đường. Các món ăn nên thay đổi hằng ngày, nên ăn nhiều cá, các loại hải sản. Vì chất acide béo Omega 3 có trong các loại hải sản rất tốt cho hệ tim mạch”.

 

Nên ăn nhiều các loại rau quả, trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin và các khoáng chất vi lượng.

 

Chất xơ còn giúp hoạt động của hệ tiêu hóa dễ dàng, tránh được táo bón. Một số trái cây còn chứa các chất có tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch, như bưởi có thể làm giảm mỡ trong máu, cà chua có thể giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não... Ðể tim hoạt động tốt, lượng potasium trong máu phải ổn định, không quá nhiều hay quá ít.

 

Người bị bệnh tim nên uống nước theo nhu cầu cơ thể, chỉ uống khi cảm thấy khát. Nếu bệnh của bạn chỉ ở mức độ nhẹ, việc hạn chế uống nước là không cần thiết. Những trường hợp suy tim nặng chỉ nên hạn chế uống khoảng 1 lít nước mỗi ngày. Nên nhớ rằng uống quá ít nước cũng rất nguy hiểm vì có thể gây tụt huyết áp, choáng váng, chóng mặt.

 

Từ bỏ rượu bia, thuốc lá

 

Y học đã chứng minh việc nghiện rượu bia có ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe nói chung và bệnh tim mạch nói riêng. Việc sinh hoạt điều độ luôn là nguyên tắc quan trọng nhất để giữ gìn sức khỏe. Rượu bia có thể không ảnh hưởng đến bệnh tim nhưng lại gây bệnh dạ dày, bệnh gan.

 

Ngoài ra, có một thể bệnh tim đặc biệt gọi là bệnh cơ tim do rượu. Nếu bị bệnh này, bạn phải kiêng cữ rượu bia hoàn toàn.

 

Còn thuốc lá là thứ cần phải kiêng cữ tuyệt đối khi bị bệnh tim mạch. Thuốc lá ảnh hưởng rất xấu đối với các bệnh do nguyên nhân xơ vữa động mạch như thiếu máu não, thiếu máu cơ tim.

 

Nếu không bỏ thuốc lá, bạn có thể bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim... Và nhất thiết bạn phải cố gắng bằng mọi cách bỏ hút thuốc lá ngay khi biết mình bị bệnh tim mạch.

 

Thanh Huyền