Thủ tướng: “Trong tương lai, người dân không cần ra nước ngoài chữa bệnh”
(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các bệnh viện tuyến trên cần kết nối khám chữa bệnh từ xa với các nước có nền y khoa tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm của các bác sĩ có trình độ cao.
Chiều muộn ngày 25/9, Bộ Y tế tổ chức lễ khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa là sự kiện quan trọng, bước tiến lớn của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đây là một đề án có ý nghĩa nhân văn cao cả để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân trên mọi miền của Tổ quốc.
“Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Việt Nam chúng ta tự hào là quốc gia đã lần thứ 2 khống chế thành công dịch bệnh bằng tất cả những giải pháp quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với tinh thần chống dịch như chống giặc. Trong đó có cả việc ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, hoạt động khám chữa bệnh từ xa đã giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thấy cần thiết, giúp giảm tải bệnh viện. Trong thời gian tới đây, đặc biệt khi cả nước mở cửa trở lại để tiếp tục phát triển kinh tế trong tình hình mới, việc mở rộng các hoạt động khám chữa bệnh từ xa vẫn rất cần thiết trong công tác phòng chống dịch.
Hoạt động này cũng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn tuyến hướng tới sự hài lòng của người dân.
Người dân trên cả nước được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.
“Tôi rất vui khi được biết ‘đường bay’ khám, chữa bệnh từ xa đã được mở sang 2 nước bạn Lào và Campuchia. Trong tương lai các bệnh viện tuyến trên cần kết nối với các nước có nền y khoa tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm của các bác sĩ có trình độ cao. Tôi tin trong tương lai gần người dân không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai tốt chương trình khám chữa bệnh từ xa; liên tục tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Bộ cũng cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện hành lang pháp lý về khám chữa bệnh từ xa.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, năm 2020, ngành y tế nói riêng và cả nước nói chung đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát. Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh với chi phí thấp, là một trong những điểm sáng trong phòng chống dịch, được người dân tin tưởng và được quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã áp dụng nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác phòng chống dịch, biến nguy thành cơ để đổi mới và phát triển, trong đó hoạt động khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh chóng, chất lượng. Chỉ trong vòng 2 tháng, đề án đã đạt mốc 1.000 cơ sở y tế được kết nối trực tuyến để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh phục vụ việc chăm sóc sức khỏe của người dân trên mọi miền.
“Đề án giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở, đồng thời xóa khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Không những thế, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên với sự hỗ trợ, hướng dẫn thường xuyên của các cơ sở y tế tuyến trên”, quyền Bộ trưởng nói.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục khai trương mạng y tế Việt Nam là nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.
Đến nay đã có 27 bệnh viện tuyến trung ương tham gia đề án, kết nối hơn 1.000 điểm khám chữa bệnh, cứu sống gần 300 ca bệnh khó, trong đó buổi hội chẩn nhiều nhất có trên 300 điểm. Bộ Y tế cũng đã xây dựng được hơn 10.000 danh mục khám chữa bệnh từ xa của các chuyên khoa.
Trước đó, Bộ Y tế đã có đề án bệnh viện vệ tinh giúp giảm quá tải một phần, tuy nhiên những ca bệnh nặng từ tuyến dưới vẫn phải chuyển lên tuyến trên hoặc bác sĩ tuyến trên phải trực tiếp về tuyến dưới. Tuy nhiên, với đề án này, bác sĩ tuyến huyện cũng có thể tự xử lý được các ca bệnh khó và bác sĩ tuyến trên không phải vượt quãng đường hàng trăm km.