Giữa đại dịch Covid-19, giấc mơ khám chữa bệnh từ xa ở Việt Nam đã thành hiện thực

(Dân trí) - Không giống như vaccine hay thuốc đặc trị, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) không thể dập tắt Covid-19.

Tuy nhiên, đây là một bước tiến lớn của ngành y tế Việt Nam, có thể ngăn chặn bệnh lây lan, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế hơn, đồng thời tạo ra những bước tiến mạnh mẽ cho y tế “hậu Covid-19”.

Giữa đại dịch Covid-19, giấc mơ khám chữa bệnh từ xa ở Việt Nam đã thành hiện thực - 1

Covid-19 không phải là căn bệnh không thể chữa khỏi, nhưng nó siêu lây nhiễm và tạo ra áp lực khủng khiếp cho hệ thống y tế các quốc gia. Việt Nam – dù kiểm soát tốt dịch bệnh, cũng không ngoại lệ. Tỷ lệ vượt tuyến cao, tới 60% bệnh nhân tại Bạch Mai, Chợ Rẫy và 90-95% tại Phụ Sản và Nhi TW không có giấy giới thiệu của tuyến dưới.

Tình trạng quá tải này cũng đang diễn ra trên toàn thế giới. Trước tình hình đó, WHO đã xếp loại y tế từ xa là một trong những dịch vụ thiết yếu của chính sách “tăng cường đáp ứng hệ thống y tế Covid-19”.

Rất nhiều quốc gia từng ban hành luật cho y tế từ xa, bác sĩ gia đình, và ứng dụng Telehealth như: Mỹ ứng dụng để chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh rải rác toàn quốc; Brazil sàng lọc bệnh tim bẩm sinh từ xa; Italia ngăn ngừa AIDS và Sốt rét từ xa; Ấn Độ khám chữa bệnh từ xa với các bệnh như tim mạch, nhãn khoa, thận… Tại Trung Quốc, nền tảng Ping An Good Doctor có gần 400 triệu người đăng ký, 70 triệu lượt người dùng hàng tháng. Ngoài ra có thể kể tới Alibaba Health, Baidu Health, Grab Health.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Cuối tuần trước (ngày 18/4), Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã tổ chức lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19.

Tại buổi lễ khai trương, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện thử nghiệm sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa để kết nối với Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương (Lào Cai) hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mãn tính cần đi khám; kết nối với Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) hội chẩn CT từ xa, đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp và kết nối trực tiếp với bệnh nhân tại xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) để khám bệnh.

Bệnh nhân nam 64 tuổi, mắc bệnh tim mạch tại Hà Nội đã được tư vấn khám chữa bệnh từ xa bởi các chuyên gia tim mạch hàng đầu từ hội trường Đại học Y Hà Nội, qua nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Viettel xây dựng. Do đang trong thời gian cách ly toàn xã hội, bệnh nhân khó đến với bệnh viện và nền tảng Telehealth là biện pháp PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Trưởng bộ môn Tim mạch, đã trực tiếp tư vấn khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

“Cánh tay thứ ba của người thầy thuốc”

“Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến cơ sở y tế. Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện trung ương. Đặc biệt là giảm tỷ lệ bệnh nhân phải tái khám không thực sự cần thiết”, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết về lợi ích của Telehealth.

Trên thực tế, trước khi có một hệ thống Telehealth có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều bệnh viện lớn trên toàn quốc, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn Viettel thiết kế một hệ thống dành cho việc chẩn đoán từ xa với bệnh tim cho trẻ em.

Với sự hỗ trợ của Viettel về phần cứng, các công nghệ nâng cấp cho bệnh viện vệ tinh và bệnh viện trung ương thì việc hội chẩn trực tuyến sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Các hình ảnh, các buổi truyền hình và các phương tiện phân tích hình ảnh trong chẩn đoán hình ảnh: CT, MRI và siêu âm sẽ rõ ràng và có chất lượng tốt hơn.

Viettel Solutions thành viên của Tập đoàn Viettel – doanh nghiệp phụ trách dự án Telehealth, còn xây dựng một web/app cho phép người dùng: Theo dõi sức khỏe (các chỉ số nhập tay hoặc kết nối thiết bị), Kết nối bác sĩ (call, chat), Đặt lịch khám và Tương tác với người thân, người có cùng bệnh.

Cụ thể, mỗi người dân, hộ gia đình được quản lý theo ID duy nhất, suốt đời, có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi, kết nối với hồ sơ sức khỏe cá nhân và kết nối để tương tác với cộng đồng những người cùng bệnh.

“Trong tương lai, việc thiết thực nhất là chúng tôi sẽ nâng cấp hệ thống bệnh viện vệ tinh đến tận xã. Các bác sĩ ở bệnh viện huyện sẽ quản lý các trạm y tế xã, với các kết nối thông minh, đặc biệt là các thiết bị” – BS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ. “Một bác sĩ đang có hai tay, sẽ có thêm cánh tay thứ ba là Telehealth. Nó không thể thay thế tuyệt đối, nhưng sẽ hỗ trợ cho hệ thống y tế”.

Trường Thịnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm