Thứ trưởng Bộ Y tế: Khẩu trang không phải "cứu tinh" trong phòng dịch
(Dân trí) - Chiều 5/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định khẩu trang y tế không phải là "cứu tinh" trong phòng dịch. Việc đeo khẩu trang là để người bệnh không phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Đeo khẩu trang để ngăn phát tán mầm bệnh
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, khẩu trang chỉ là một phần trong công tác phòng dịch. Ông Long trích dẫn lời khuyên chính thức của WHO là "không cần đeo khẩu trang y tế vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy có lợi ích bảo vệ với người không bị bệnh".
Virus corona này nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ , tia cực tím, "sợ" cả gió,- sợ môi trường thông thoáng khí nên cần mở cửa sổ tạo thoáng khí. Ở ngoài điều kiện tự nhiên, miền Nam, Tây nguyên có nắng, gió thì không nhất thiết dùng khẩu trang y tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, chúng ta nên theo khuyến cáo của WHO- sử dụng khẩu trang tùy vào hoàn cảnh.
Bộ Y tế khuyến khích người dân sử dụng tại nơi đông người, khi đi tàu xe, phương tiện công cộng.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, diễn biến của dịch bệnh do virus corona rất nhanh, còn nhiều điều chưa rõ ràng về virus này (đặc điểm virus, cơ chế lây truyền… ).
"Tuy nhiên, về khẩu trang, chúng ta phải thay đổi lại quan điểm về cách đeo khẩu trang. Qua hướng dẫn của WHO, CDC của Mỹ, thì đeo khẩu trang nhằm mục đích để người bị bệnh không phát tán mầm bệnh ra môi trường", ông Phu khẳng định.
Với mục đích đó, cán bộ y tế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, người nghi ngờ bệnh thì cần đeo khẩu trang y tế. Những ai đi đến thăm khám, thăm nom người bệnh tại bệnh viện thì đều khuyến cáo đeo khẩu trang y tế.
Ông Phu cũng lưu ý phải đeo phải đúng cách, không sờ vào bề mặt của khẩu trang (trong và ngoài) vì có thể làm lan truyền virus, vi khuẩn không riêng gì virus corona mới. Thay vào đó chỉ nên tiếp xúc vào quai của khẩu trang. “Khẩu trang không phải là tất cả”, ông Phu nói.