1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thói nghiện cờ bạc - Những tác hại về mặt sức khỏe và tâm lý

Người nghiện cờ bạc luôn cảm thấy bị thúc giục phải tham gia vào những hoạt động có tính chất hơn thua, bài bạc hoặc cá cược bất chấp những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Phần lớn những người này không muốn chấm dứt những cuộc đỏ đen.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy cờ bạc có thể hấp dẫn con người và gây nghiện chính là vì chúng giúp gia tăng adrenaline trong não. Tính chất cạnh tranh hơn thua trong các hoạt động này đã được giới khoa học chứng minh là một yếu tố khiến con người hưng phấn. Cờ bạc còn được xem là một giải pháp đơn giản giúp nhiều người giảm stress và tạm thời xua tan những nỗi lo lắng về tài chính.

Tuy vậy, việc tham gia các hoạt động cờ bạc thường xuyên đến mức trở thành cơn nghiện có thể dẫn đến nhiều tác hại khôn lường về mặt sức khỏe thể chất, tâm lý và tâm thần của con người. Những người nghiện cờ bạc phải liên tục đối mặt với nguy cơ trầm cảm, chứng đau nửa đầu, các chứng rối loạn tiêu hóa và những nỗi lo lắng thường trực. Về lâu dài, cuộc sống đầy rẫy những triệu chứng bất ổn này có thể đưa đẩy nạn nhân đến những hành vi nguy hiểm như làm tổn thương bản thân hoặc tự tử.

Thói nghiện cờ bạc - Những tác hại về mặt sức khỏe và tâm lý - 1

Các triệu chứng của thói nghiện cờ bạc

- Khao khát được tham gia các hoạt động có tính chất hơn thua.

- Dễ rơi vào tình trạng trầm cảm hoặc ân hận sau mỗi lần “đốt” tiền vào các cuộc đỏ đen.

- Càng lúc càng muốn chơi nhiều hơn bất kể thắng thua. Đặc biệt sau mỗi lần thua, họ lại càng muốn gỡ gạc thay vì dừng lại.

- Nợ nần chồng chất: phần lớn các con bạc tiêu hết tiền của bản thân, mượn tiền hoặc vay nợ từ người khác để chơi; những người nghiện trầm trọng thậm chí dẹp bỏ hết mọi công chuyện khác để tập trung đánh bạc với mong muốn gỡ lại số tiền đã mất một cách nhanh chóng.

- Mất khả năng tự chủ.

- Tiếp tục đánh bạc bất chấp mọi sự can ngăn và những hậu quả tiêu cực đã và đang xảy ra.

- Liên tục thất bại trong việc cai nghiện.

- Thường xuyên bị ám ảnh bởi mong muốn gỡ gạc, “ăn thua đủ” với người khác hoặc làm giàu nhanh chóng mà không phải lao động vất vả.

- Mắc phải các vấn đề sức khỏe liên quan đến stress (đau nửa đầu, rối loạn tiêu hóa, thiếu ngủ hoặc mất ngủ...).

- Những khi không được tham gia các hoạt động cờ bạc, người nghiện cảm thấy khó chịu và bức bối.

Thói nghiện cờ bạc - Những tác hại về mặt sức khỏe và tâm lý - 2

Dễ rơi vào tình trạng trầm cảm hoặc ân hận sau mỗi lần “đốt” tiền vào các cuộc đỏ đen

Nguyên nhân của thói nghiện cờ bạc

Không nên nhầm lẫn thói nghiện cờ bạc là một vấn đề tài chính. Nó là một hiện tượng thuộc về tâm lý và cảm xúc con người, nhưng lại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về mặt tài chính, làm sứt mẻ các mối quan hệ của người nghiện, thậm chí hủy hoại sự nghiệp và cuộc sống của anh ta. Bất kỳ ai tham gia các hoạt động có tính chất bài bạc hoặc cạnh tranh hơn thua đều có nguy cơ nghiện nếu họ không có nhận thức đầy đủ về những hậu quả có thể xảy ra và trách nhiệm của bản thân mình trong đó. Phần lớn những người nghiện cờ bạc chỉ kịp nhận ra tình trạng bất ổn của bản thân mình khi đã xảy ra vài hậu quả hoặc thiệt hại nghiêm trọng.

Điều đáng quan tâm là nhiều người trong số những nạn nhân của thói nghiện cờ bạc vốn dĩ là những người có trách nhiệm và biết lo toan cho gia đình. Nhiều khảo sát cho thấy những người này bắt đầu sa đà vào cờ bạc sau một vài sự kiện khiến họ phải thay đổi hành vi hoặc nếp sinh hoạt hàng ngày của mình như về hưu, thất nghiệp, khó khăn trong công việc, và những biến cố gây sang chấn tâm lý. Nhiều cuộc nghiên cứu cũng cho thấy những người đã rơi vào tình trạng nghiện một thứ gì đó thường dễ có xu hướng nghiện tiếp một hay nhiều thứ khác. Vì điều này, một số người nghiện cờ bạc cũng đồng thời có thói quen rượu chè hoặc trác táng.

Gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành thói nghiện cờ bạc ở con người. Khảo sát ở nhiều nước cho thấy những con bạc dưới 18 tuổi chiếm số lượng không nhỏ trong tổng số những người nghiện cờ bạc được thống kê. Nếp sinh hoạt và cách giáo dục của gia đình góp phần đáng kể trong việc hình thành xu hướng nghiện cờ bạc của con cái. Kế đến, sự dễ dàng trong việc tiếp cận các hoạt động bài bạc (cá cược trong thể thao, các trò chơi có tính chất cờ bạc trên internet, máy đánh bạc công cộng...) là một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng số lượng con bạc trẻ. Đa số những người nghiện cờ bạc tham gia điều trị dài hạn thừa nhận rằng họ đã bắt đầu đánh bạc từ khi còn nhỏ.

Thói nghiện cờ bạc - Những tác hại về mặt sức khỏe và tâm lý - 3

Mắc phải các vấn đề sức khỏe liên quan đến stress (đau nửa đầu, rối loạn tiêu hóa, thiếu ngủ hoặc mất ngủ...)

Ngoài ra, thói nghiện cờ bạc ở một người còn có thể liên quan đến gene. “Nghiện cờ bạc có thể di truyền” - kết luận của các nhà khoa học đến từ Đại học Missouri (Hoa Kỳ) và Viện Nghiên cứu Y học Queensland (bang Brisbane, Úc) trong một công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Twin Research and Human Genetics năm 2010. Nhiều người nghiện cờ bạc được khảo sát có cha hoặc mẹ hoặc cả hai là những người nghiện bia rượu hoặc thích tham gia các hoạt động có tính chất hơn thua, và các nhà khoa học đều tìm thấy mối liên hệ về gen di truyền trong những trường hợp này.

Điều trị thói nghiện cờ bạc

Một khi thói nghiện cờ bạc gây ảnh hưởng tiêu cực lên nhiều mặt cuộc sống của người nghiện, việc điều trị là cấp thiết. Người nghiện cờ bạc sẽ được thực hiện một cuộc kiểm tra và đánh giá toàn diện để xác định chính xác nguồn gốc tình trạng nghiện cờ bạc của họ.

Các phương pháp điều trị chỉ hiệu quả khi chúng được xây dựng trên cơ sở phù hợp với nguyên nhân nghiện cờ bạc và nhu cầu cụ thể của mỗi người nghiện. Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive behavioural therapy) là một trong những phương pháp điều trị phổ biến đối với người nghiện cờ bạc. Nó giúp người bệnh rèn luyện khả năng kiểm soát và gia giảm sự ham muốn đối với các hoạt động hơn thua.

Mục đích của việc điều trị là giúp người bệnh từ bỏ những hành vi sai trái dẫn dắt họ đến thói quen tham gia các hoạt động hơn thua để thỏa mãn bản thân. Để đảm bảo khả năng thành công cao, quá trình điều trị và hỗ trợ không chỉ tập trung vào bản thân người bệnh, mà còn phải bao gồm việc xem xét và đánh giá những lĩnh vực khác trong cuộc sống của họ (tình trạng tài chính, nghề nghiệp, học vấn, tiền án tiền sự...) và yêu cầu sự tương tác và hỗ trợ từ các mối quan hệ xung quanh họ như: gia đình và người thân.

Theo ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

Sức khỏe & Đời sống