Thời điểm ăn dặm tốt nhất?

(Dân trí) - Nghiên cứu cho rằng trẻ nên ăn dặm trước 6 tháng tuổi đã bị các chuyên gia sản khoa coi là một “bước lùi”. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu nước Anh, GS John Wanner, cho rằng những lời khuyên hiện nay là sai lầm và khó hiểu.

 

Thời điểm ăn dặm tốt nhất? - 1

 

 

6 tháng mới ăn dặm là quá muộn!

 

Theo GS Wanner, đợi 6 tháng mới giới thiệu thực phẩm cho trẻ là quá muộn: “Trong thực tế, rất nhiều trẻ bị đói ở những tháng tuổi này. Nếu bé đã muốn ăn thêm mà vẫn chỉ cho trẻ uống sữa thì khả năng tăng cân sẽ giảm và suy dinh dưỡng bắt đầu xuất hiện từ đây. Trẻ có thể trở nên dễ cáu kỉnh và khó ngủ đủ giấc. Cha mẹ không được ngủ đủ sẽ dễ cáu kỉnh và sức nhẫn nại giảm, từ đó làm cho bữa ăn của trẻ trở nên căng thẳng”.

 

Nhu cầu ăn bao nhiêu của trẻ phụ thuộc vào sự tăng trưởng của trẻ và được xác định ngay khi trẻ ở trong bụng mẹ. Nếu bé nhận được chất dinh dưỡng tốt trong bụng mẹ, trẻ sẽ phát triển nhanh và điều này sẽ được tiếp tục sau khi bé chào đời. Khi đó, 1 quỹ đạo tăng trưởng đã định hình và nó cần được duy trì để trẻ có được sức khỏe tốt nhất. Lúc này đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phát triển tối ưu.

 

Trong khi đó, một trong những lập luận trì hoãn việc cho trẻ ăn dặm là để giảm thiểu nguy cơ dị ứng thực phẩm vì sau 6 tháng tuổi, cơ thể trẻ phản ứng với thực phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, các bằng chứng hỗ trợ cho lý thuyết này là không rõ ràng.

 

“Thuyết này dựa trên những bằng chứng rất mong manh. Hiện có ngày càng nhiều những bằng chứng cho thấy cho trẻ ăn dặm càng sớm thì khả năng thích ứng với thực phẩm càng tốt. Ví như để tránh dị ứng lúa mỳ thì việc cho trẻ làm quen với thực phẩm này khi 4 tháng tuổi sẽ giảm thấp nguy cơ hơn hẳn so với khi trẻ 8 tháng tuổi”, GS Warner nói.

 

Không có quy tắc bất di bất dịch!

 

Trước đây, lời khuyên bắt đầu cho trẻ ăn dặm là khi 4 tháng tuổi và sự thay đổi bắt đầu từ năm 2003, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời. Và GS Warner tin rằng hướng dẫn này là nhằm vào nước đang phát triển chứ không phải là các nước phát triển vì trẻ ở các quốc gia đó sinh ra đã nhỏ hơn và được “lập trình” để phát triển chậm hơn.

 

GS Warner cũng cho rằng kết quả của cuộc vận động cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đang thất bại vì số liệu mới nhất cho thấy 3/4 các bà mẹ cho con bú theo khuyến cáo này đã không thể thực hiện hết chương trình như đề xuất. Như vậy số bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu là rất thấp.

 

“Thật ngớ ngẩn khi tuân thủ một hướng dẫn cứng nhắc. Hãy nhìn vào các dấu hiệu của trẻ để đáp ứng tốt nhất thông điệp mà trẻ muốn gửi cho chúng ta”, GS Warner nói.

 

Dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng cho ăn dặm bao gồm bé hay khóc, thường xuyên thức dậy trong đêm và nhanh thay tã hơn. Một số ý kiến khác cho rằng khi trẻ hào hứng nhìn người khác ăn và có thể cầm được cái gì đó thì cũng là lúc nên cho trẻ ăn dặm.

 

Nghiên cứu tại ĐH Southampton cho thấy thời điểm cho trẻ ăn dặm rất quan trọng nhưng không có nghĩa là cai sữa hoàn toàn khi bắt đầu ăn dặm. Sự kết hợp giữa ăn dặm và bú mẹ trong 1 khoảng thời gian nào đó sẽ giúp cơ thể trẻ học cách chấp nhận thực phẩm mới tốt hơn.

 

“Điều này cho thấy trẻ rất cần 1 khoảng thời gian giao thoa, không nên đột ngột cai sữa khi trẻ chưa kịp làm quen với thức ăn mới. 4-6 tháng là thời điểm thích hợp nhưng không có nghĩa đó là thời điểm vàng, tất cả phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của trẻ”, GS Warner khuyên.

 

“Cha mẹ cần nhớ rằng đây chỉ là hướng dẫn chứ không phải là kim chỉ nam hay quy tắc bất di bất dịch, buộc phải tuân theo”, GS Warner nhấn mạnh.

 

Nhân Hà

Theo Dailymail

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ