Thiếu trang thiết bị, bệnh nhân tim mạch xếp hàng dài chờ mổ
(Dân trí) - Những kỹ thuật mổ, can thiệp tim mạch khó và phức tạp bác sĩ đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, thực trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho phẫu thuật, hồi sức đang khiến danh sách bệnh nhân chờ mổ mỗi ngày một dài thêm.
Tại buổi sơ kết 10 năm chương trình phẫu thuật tim trẻ em tại bệnh viện Nhi Đồng 1, PGS.TS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch chia sẻ: Khoảng 10 năm trước, khoa Tim mạch là chuyên khoa có tỷ lệ tử vong ở trẻ đứng hàng đầu.
Mỗi buổi sáng giao ban, khi nghe có trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch mọi người đều đau đớn, nhưng đành bất lực vì thời điểm đó, bệnh nhi mắc tim bẩm sinh trên thế giới đã can thiệp khá tốt nhưng tại Việt Nam kỹ thuật chưa phát triển nên việc cứu chữa cho các bé trở nên rất khó khăn.
Dù Viện tim TPHCM đã ra đời nhưng là nơi mổ tim cho cả trẻ em và người lớn nên trẻ em phải xếp hàng chờ đợi đến lượt mổ như người lớn, nhiều trẻ đã ra đi trước khi được can thiệp.
Trước tình hình đó, bệnh viện Nhi Đồng 1 bắt tay thực hiện kế hoạch nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc bệnh tim. Năm 2004, bệnh viện bắt đầu chương trình mổ tim kín cho những bệnh nhân không cần mở xương ức, mở lồng ngực. Bên cạnh đó, bệnh viện cử ê kíp hơn 50 người đi học về kỹ thuật can thiệp tim mạch tại Viện tim, TPHCM và học tập ở nước ngoài.
Đến ngày 1/6/2007, ca mổ tim hở lần đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện. Đến năm 2009, bệnh viện phát triển kỹ thuật thông tim can thiệp, từ năm 2010 tới nay, bệnh viện đã thực hiện thành công kỹ thuật mổ tim hở cho trẻ sơ sinh trên các bé mắc bệnh tim nặng và phức tạp. Bệnh viện đã phẫu thuật, điều trị cho tổng số 3.115 bệnh nhi mắc các bệnh lý tim mạch.
Chính sách Bảo hiểm Y tế (BHYT) đang tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhi có cơ hội vượt qua bệnh tật để trở lại với cuộc sống bình thường như bao trẻ khác. Hiện, chi phí phẫu thuật với những trẻ dưới 6 tuổi, BHYT chi trả 80% chi phí, 20% còn lại gia đình tự túc; riêng thông tim can thiệp bệnh nhân dưới 6 tuổi được bảo hiểm chi trả gần 100%; bệnh nhân trên 6 tuổi, BHYT sẽ chi trả theo quy định trần.
Tuy nhiên, cuộc chiến với bệnh tim mạch đang vấp phải không ít khó khăn. Tính riêng trong năm 2014, tại bệnh viện Nhi Đồng 1 có tới 13.000 trẻ đến khám các bệnh lý về tim mạch, trong số đó khoảng 2.000 trẻ có chỉ định phẫu thuật. Nhu cầu rất cao, nhưng trên thực tế, bệnh viện mới chỉ có 2 phòng mổ dành cho can thiệp tim mạch, số máy thở, giường hồi sức hậu phẫu cho trẻ còn ít.
Mỗi ngày, bệnh viện chỉ thực hiện được từ 1 đến 3 ca mổ tim cho trẻ, thông tim 4 - 7 ca, trong đó có các ca bệnh nặng chuyển lên từ tuyến tỉnh hoặc chuyển từ các bệnh viện phụ sản trên địa bàn đến phải thực hiện mổ khẩn cấp. Danh sách các bé chờ đợi đến lượt mổ tại bệnh viện Nhi Đồng 1 đang ngày một dài thêm, đến đầu năm 2015 đã có tổng cộng 1.300 bệnh nhân đang chờ đến lượt phẫu thuật.
Đến nay, hầu hết kỹ thuật can thiệp tim mạch phức tạp, bệnh viện Nhi Đồng 1 đều có thể thực hiện. Tuy nhiên, những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho phẫu thuật, hồi sức trên bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh còn quá hạn chế đang là rào cản lớn đối với bệnh viện và các y bác sĩ trong việc cứu chữa cho bệnh nhi.
BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ: Có nhiều bé đã được lên lịch mổ, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng nhưng cùng thời điểm đó, bệnh viện địa phương chuyển đến một ca bệnh cấp cứu, nếu không cứu chữa sẽ tử vong. Việc can thiệp cho bệnh nhi đã được lên lịch đành hoãn lại để cứu chữa cho bé bị nặng hơn.
Song sau mổ, ca bệnh nặng có thể phải sử dụng máy thở, giường hồi sức đến cả tuần khiến các bệnh nhi khác phải kéo dài thêm thời gian chờ đợi. Nguồn nhân lực của bệnh viện đã có thể thực hiện được hầu hết các kỹ thuật can thiệp tim mạch. Tuy nhiên, để bác sĩ có thể phát huy được tay nghề, cứu chữa cho bệnh nhi chúng tôi cần được hỗ trợ thêm cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Vân Sơn