Thiếu nữ 20 tuổi ở Hà Nội có phủ tạng đảo ngược hoàn toàn

Tú Anh

(Dân trí) - Cô gái 20 tuổi vào viện trong tình trạng đau hố chậu trái, được xác định viêm ruột thừa. Trong khi với người bình thường, biểu hiện đau ruột thừa sẽ là vùng hố chậu phải.

Ngày 28/5, Bệnh viện E thông tin về ca phẫu thuật ruột thừa cho nữ bệnh nhân có phủ tạng đảo ngược hiếm gặp.

ThS.BS Phùng Văn Quyên, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện E cho biết, bệnh nhân vào viện với các dấu hiệu rõ rệt của chứng đau ruột thừa như: đau bụng dữ dội vùng hố chậu, buồn nôn, đau tăng dần và liên tục, đau di chuyển xuống hạ vị…

"Nhưng điều đáng nói, người bệnh lại đau hố chậu trái, trong khi ở người bình thường, biểu hiện đau ruột thừa thường từ hố chậu phải", BS Quyên cho biết.

Thiếu nữ 20 tuổi ở Hà Nội có phủ tạng đảo ngược hoàn toàn - 1

Nữ bệnh nhân có phủ tạng đảo lộn được phẫu thuật viêm ruột thừa thành công (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Qua khám lâm sàng và kết quả các xét nghiệm, siêu âm bụng, chụp CT ổ bụng, các bác sĩ đã xác định người bệnh bị viêm phúc mạc khu trú do ruột thừa mủ trên nền người bệnh bị đảo ngược phủ tạng hiếm gặp.

Theo đó, trái tim và dạ dày của người bệnh nằm bên phải, còn gan và ruột thừa lại nằm bên trái, trái ngược hoàn toàn so với bình thường.

Theo BS Quyên, tình trạng đảo ngược phủ tạng có thể hoàn toàn hoặc chỉ một vài cơ quan đơn thuần. Đây là một dị tật hiếm gặp, với tỷ lệ khoảng 0,001% - 0,01%, Trong đó có khoảng 5-10% có dị tật tim bẩm sinh kèm theo; có khoảng 4% trong số các ca đảo ngược phủ tạng có thể mắc viêm ruột thừa, còn lại có cuộc sống hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Cô gái cho biết, trước vào viện vài ngày, cô bị đau bụng theo cơn nhưng không đi khám. Tình trạng đau ngày càng tăng ở vùng hố chậu trái, nôn, đau vùng thượng vị sau đó lan xuống hạ vị kèm sốt...

Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa để xử lý tổn thương cho người bệnh. 

BS Mai Văn Lực, Khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học, Bệnh viện E cho biết,  phẫu thuật trên nền người bệnh bị đảo ngược phủ tạng hoàn toàn về giải phẫu sẽ có nhiều nguy cơ và khó khăn khi đưa ra các chẩn đoán bệnh.

Thứ nhất, khi khám lâm sàng, bác sĩ chỉ thực hiện khám bên phải, bỏ qua bên trái thì nguy cơ sẽ để sót tổn thương, dẫn tới tình trạng viêm ruột thừa muộn gây viêm phúc mạc hoặc vỡ ruột thừa…

Thứ hai, trong phẫu thuật, đối với người bệnh bị đảo ngược phủ tạng khi phẫu thuật các bác sĩ sẽ phải thực hiện các thao tác ngược lại. Với trường hợp này, khi mổ nội soi, các bác sĩ phát hiện toàn bộ đại tràng, gan, lách, dạ dày, ruột thừa đều đảo ngược. Ruột thừa bệnh nhân  quặt sau manh tràng nên phải tiến hành cắt ruột thừa ngược dòng.

Theo BS Lực,  viêm ruột thừa là một tình trạng cấp cứu và cần được điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Đối với những người bị đảo ngược phủ tạng, việc chẩn đoán và điều trị viêm ruột thừa càng trở nên phức tạp và đầy rủi ro do dễ bị chẩn đoán nhầm, do vị trí đau cũng ngược lại với người bình thường.