Thiếu nhi 15 tuổi bất ngờ ngừng tim do cơn hen khi trời nồm ẩm

Tú Anh

(Dân trí) - Bệnh nhi 15 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng sau khi lên cơn hen cấp, tím tái, ngừng tuần hoàn.

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ca bệnh được chuyển đến viện hôm 15/1, trong tình trạng rất nguy kịch.

Đây là bệnh nhi N.P.A. (15 tuổi, Thái Bình). Một tuần trước khi vào viện trẻ ho nặng kèm theo khó thở, tuy nhiên chỉ ở nhà sử dụng thuốc xịt và thuốc khí dung cắt cơn hen cấp.

Thiếu nhi 15 tuổi bất ngờ ngừng tim do cơn hen khi trời nồm ẩm - 1

Có nhiều tác nhân gây cơn hen cấp ở trẻ, trong đó thời tiết nồm ẩm khiến virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển là một yếu tố thúc đẩy cơn hen cấp (Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương).

Tuy nhiên, diễn tiến bệnh vẫn nặng lên, ngày 15/1 trẻ lên cơn hen cấp, tím tái, ngừng tuần hoàn do thiếu oxy. Bệnh nhi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy đa cơ quan, tổn thương thần kinh nặng.

Trước đó, từ năm lên 7 tuổi, bệnh nhi đã được chẩn đoán hen phế quản nhưng trẻ không điều trị dự phòng.

Năm 2019, khi đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi cũng được chẩn đoán mắc hen phế quản chưa kiểm soát, các bác sĩ chuyên khoa đã kê đơn điều trị dự phòng và có phác đồ theo dõi chuẩn xác nhưng bệnh nhi không tuân thủ điều trị, không khám lại, tự sử dụng các thuốc giãn phế quản, khi lên cơn hen cấp theo đơn cũ.

Bệnh nhi đang được điều trị tích cực bằng các biện pháp thở máy, thuốc vận mạch, thuốc giãn phế quản, lọc máu, kiểm soát hạ thân nhiệt chủ động, tuy nhiên tiên lượng vẫn rất nặng.

TS.BS Lê Quỳnh Chi - Trưởng Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hen ở trẻ em chủ yếu thuộc túyp hen dị ứng, thường đáp ứng tốt với các thuốc điều trị dự phòng như corticosteroid dạng hít (ICS) hoặc corticosteroid dạng hít phối hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (ICS-LABA).

Tuy nhiên, trẻ cần đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá về chức năng hô hấp, đánh giá tình trạng kiểm soát hen, đồng thời nghe chuyên gia y tế tư vấn cho gia đình những căn nguyên  thường gặp gây cơn hen cấp. 

Phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan sử dụng theo đơn thuốc cũ hoặc tự thay đổi phác đồ điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, khiến tình trạng bệnh của trẻ ngày càng chuyển biến nặng.

Để đạt được kiểm soát thật tốt bệnh hen cha  mẹ nên giúp con tuân thủ điều trị các thuốc dự phòng để ổn định bệnh, giảm tần suất lên cơn hen cấp và giữ chức năng phổi tốt. Cần đảm bảo chất lượng môi trường, vệ sinh nhà cửa, trường học, lớp học để tránh những căn nguyên gây khởi phát cơn hen ở trẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), thời tiết nồm ẩm như hiện nay là môi trường lý tưởng cho virus sinh sôi, phát triển. Kiểu thời tiết này đặc biệt "hợp" với những bệnh lý có liên quan đến cơ địa dị ứng, các bệnh lý mãn tính như hen phế quản, dị ứng, mề đay... .

TS Dũng lưu ý, hiện tượng trời nồm như hiện nay không chỉ làm sàn nhà ẩm ướt, khó chịu mà chính là môi trường để nấm mốc, virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển. Đáng nói, nấm mốc không chỉ thể hiện ra ở những vết rêu mốc trên tường, sân nhà… mà nó có thể lơ lửng trong không khí mà mắt thường không nhìn thấy được, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu…

Vì thế, với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô lại nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ. Trong phòng cũng không nên sử dụng thảm trải sàn. Đặc biệt cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình. Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện, sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách đó khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách và lên cơn hen.

Bên cạnh đó, trẻ cần được kiểm soát, dự phòng hen theo chỉ định của bác sĩ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm