Hơn 10% trẻ mắc hen phế quản, tăng khò khè khi chuyển mùa

Hồng Hải

(Dân trí) - Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ em, với tỷ lệ mắc cao gấp đôi người lớn, khoảng 10%. Tuy nhiên, việc chẩn đoán hen ở trẻ em còn nhiều khó khăn, chẩn đoán nhầm, bỏ sót...

Tại cuộc họp mở rộng chương trình "Vì lá phổi khỏe" góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân hô hấp nhi diễn ra ngày 22/11 tại Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực liên Chi hội Hô hấp Nhi Việt Nam đánh giá, gánh nặng bệnh hen ở trẻ em rất nặng nề.

Hơn 10% trẻ mắc hen phế quản, tăng khò khè khi chuyển mùa - 1

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đánh giá, việc chẩn đoán, điều trị, quản lý hen phế quản ở trẻ khó khăn hơn người lớn (Ảnh: H.Hải).

Hen phế quản ảnh hưởng đến 235 triệu trẻ em trên toàn thế giới, với khoảng 1/2 trẻ hen có triệu chứng trước 3 tuổi. Dự báo đến năm 2025 sẽ có khoảng 340 bệnh nhân hen.

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc hen phế quản là 10%, gấp đôi tỉ lệ ở người lớn và ngày càng tăng trong 5 năm gần đây.

Tuy nhiên, việc chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh lý hô hấp ở trẻ nhỏ khó khăn hơn ở người lớn do nhận thức của cộng đồng, tình trạng tự mua thuốc điều trị cho trẻ, trẻ khó hợp tác khi nhân viên y tế thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán; trang thiết bị y tế và thuốc thiết yếu ở tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế, thiếu nhân lực...

"Triệu chứng khó thở, khò khè và ho là triệu chứng thường gặp ở trẻ em và cũng gặp nhiều trong hen phế quản, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa dẫn đến không ít trẻ bị chẩn đoán hen quá mức (không mắc hen), hoặc bị bỏ sót hen". Vì thế, việc phát hiện hen trẻ em rất quan trọng nhằm điều trị sớm, giảm tác động đến sức khỏe của trẻ. Rất nhiều trẻ bị hen, bố mẹ năn nỉ bác sĩ kê thuốc "dứt nhanh" vì đi học trẻ vận động cũng lên cơn khó thở, ảnh hưởng đến học hành", PGS Dũng nói.

"Khi can thiệp hen được từ lứa tuổi nhỏ, sau này tỉ lệ ở người lớn cũng ít đi. Hơn nữa, sẽ giúp trẻ được kiểm soát cơn hen, tránh tái phát, trẻ được tái khám riêng tại phòng khám ngoại trú hen thuận lợi cho gia đình. Việc khám ban đầu tại phòng khám chuyên khoa cũng tăng tỉ lệ chẩn đoán đúng hen phế quản", PGS Dũng phân tích thêm.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, với việc mở rộng chương trình "Vì lá phổi khỏe" sang lĩnh vực hô hấp nhi, Hội Nhi khoa Việt Nam sẽ là đối tác mới của chương trình, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về việc quản lý bệnh, tài trợ trang thiết bị y tế và phát triển các hướng dẫn điều trị để tăng cường năng lực của cán bộ y tế.

Hơn 10% trẻ mắc hen phế quản, tăng khò khè khi chuyển mùa - 2

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: H.Hải).

"Chương trình "Vì lá phổi khỏe" có đóng góp rất quan trọng trong việc làm giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao nhận thức cộng đồng, chuẩn hóa chăm sóc quản lý ngoại trú cho các bệnh hen, COPD và ung thư phổi. Chăm sóc cho trẻ em mắc bệnh hô hấp, trong đó hen phế quản cũng là một lĩnh vực quan trọng. Cục sẽ tiếp tục đồng hành cùng các Hội chuyên ngành để thực hiện công tác này trong thời gian tới", PGS Khuê khẳng định.

Chương trình "Vì lá phổi khỏe" là sáng kiến đa quốc gia của AstraZeneca nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại 9 quốc gia Châu Á, Việt Nam là một trong các nước triển khai đầu tiên.

Sau giai đoạn một, chương trình đã bước sang giai đoạn hai từ 2020 - 2023 với việc mở rộng thêm lĩnh vực ung thư phổi, được thực hiện tại 5 bệnh viện lớn gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.

Dự kiến trong giai đoạn tiếp theo, chương trình mở rộng sang bệnh lý hô hấp nhi với sự tham gia của Hội Nhi khoa Việt Nam. Chương trình đã tiếp cận và quản lý hơn 200.000 bệnh nhân, thiết lập 150 phòng khám ngoại trú được chuẩn hóa, tổ chức hơn 260 buổi hội thảo khoa học cho gần 14.000 lượt cán bộ y tế.