1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thêm một trung tâm hỗ trợ sinh sản thực hiện thành công thụ tinh ống nghiệm

Ngày 11/8/2015, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hà Nội đón em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Đây là ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện này.

Thêm một trung tâm hỗ trợ sinh sản thực hiện thành công thụ tinh ống nghiệm - 1
Ảnh 1: Bé Nguyễn Hoàng An chào đời trong niềm vui vỡ òa của gia đình và các bác sỹ.

Bé trai Nguyễn Hoàng An nặng 3kg, chào đời lúc 13h ngày 11/8/2015 bằng phương pháp sinh mổ do TS. BS Tô Minh Hương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản làm trưởng kíp thực hiện. Sau sinh, sức khỏe sản phụ Hoàng Thị Bích Huệ và con đều ổn định. Bé Hoàng An khóc to, các chỉ số sinh tồn đều tốt, có thể bú mẹ ngay sau khi chào đời.

Chị Hoàng Thị Bích Huệ (Sông Lô, Vĩnh Phúc) mắc hội chứng “buồng trứng đa nang”, đã điều trị nhiều lần ở các cơ sở y tế nhưng không thành công.

Ngày 01/11/2014, chị Huệ là 1 trong 5 trường hợp đầu tiên được làm thụ tinh ống nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản – đơn vị vừa thành lập. Trong quá trình chọc hút trứng và chuyển phôi, dù có nhiều khó khăn phát sinh, song với nỗ lực của các bác sỹ, phôi được đặt thành công. Hai tuần sau chuyển phôi, chị Huệ chính thức có tin vui.

Thêm một trung tâm hỗ trợ sinh sản thực hiện thành công thụ tinh ống nghiệm - 2
Ảnh 2: Ôm con trên tay, vợ chồng chị Huệ không khỏi xúc động khi nhớ lại 5 năm vất vả chạy chữa hiếm muộn khắp nơi, kiên trì thuê nhà tại Hà Nội chữa bệnh.

Trong suốt thai kì, chị được các bác sỹ theo dõi rất chặt chẽ. Đây cũng là ca thực hiện IVF đầu tiên thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec. Do hoàn cảnh người bệnh khó khăn, bệnh viện cũng quyết định giảm 50% chi phí làm IVF và hỗ trợ 100% chi phí sinh mổ cho chị Huệ.

Trong 5 ca hỗ trợ sinh sản đầu tiên, ngoài chị Huệ, hiện trung tâm đang lưu trữ phôi cho 2 ca khác, chờ thời gian thuận lợi để chuyển phôi tiếp lần hai.

Được biết, đây là cơ sở y tế thứ 22 thực hiện thành công kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, điều trị hiếm muộn này tại Việt Nam.

Nhiều trường hợp bà mẹ hiếm muộn đến bệnh viện khi đã lớn tuổi (35-40 tuổi), từng đi khám ở nhiều nơi và có tình trạng bệnh lý phức tạp. Hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec đang ghi nhận những tín hiệu tích cực sau 9 tháng đi vào hoạt động. Tỷ lệ số ca có thai sinh hóa (2 vạch) là 43,31%, trong đó tỷ lệ có thai lâm sàng (có túi ối, tim thai) là 32,48%.

Chuyên gia Hỗ trợ sinh sản người Pháp Jean Clement Sage đánh giá tỷ lệ này là tương đương với kết quả của các Trung tâm hỗ trợ sinh sản hàng đầu ở Đông Nam Á và thế giới.

Thêm một trung tâm hỗ trợ sinh sản thực hiện thành công thụ tinh ống nghiệm - 3
Ảnh 3: GS.TS Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tới thăm hỏi và chia vui cùng gia đình chị Huệ

Hạnh Nguyên