1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thèm ăn – Dấu hiệu của bệnh tật?

(Dân trí) - Khi có cảm giác thèm ăn 1 số loại thực phẩm , chúng ta thường nghĩ tới cơ thể đang thiếu chất nào đó. Nhưng các nghiên cứu mới nhất cho thấy, cảm giác thèm ăn 1 số thứ có thể là báo hiệu các vấn đề sức khoẻ.

Tại sao chúng ta lại có cảm giác thèm ăn? Và điều đó có ý nghĩa gì?

Trước tiên, hãy làm sáng tỏ một quan niệm sai lầm từ lâu rằng cảm giác thèm ăn là hệ quả của sự thiếu hụt dinh dưỡng. Ví dụ, thèm sô cô la thường bị qui cho thiếu magiê. Nhưng hầu hết các chuyên gia nói rằng chưa có đủ nghiên cứu để ủng hộ ý kiến này.

"Có rất ít bằng chứng khoa học về thèm ăn liên quan đến thiếu hụt dinh dưỡng," Sharon Palmer, tác giả cuốn sách The Plant-Powered Diet nói. "Và nếu thèm ăn có liên quan đến thứ gì đó bạn cần, thì tại sao bạn lại không thèm ăn cải xoăn hoặc táo, chứ không phải là kem và khoai tây chiên? Thực ra, chúng ta có xu hướng thèm những đồ ăn giàu chất béo, tinh bột và đường." Đặc biệt là đường, theo một nghiên cứu mới đây.

Ngay cả thuyết sô cô la nổi tiếng cũng khá là thiếu thuyết phục nếu bạn biết rằng hạt bí ngô khô có nhiều magiê gấp đôi sô cô la, nhưng không có ai thèm ăn hạt bí ngô. Ngoài ra, nghiên cứu đã cho thấy, ngay cả với một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, người ta vẫn có cảm giác thèm ăn.

Điều này không có nghĩa việc thèm ăn là không có thật. Chỉ là sự thèm thuồng một miếng pizza có lẽ liên quan đến nhu cầu cảm xúc, ví dụ, việc tìm kiếm một món ăn tiện lợi, chứ không phải một món ăn dinh dưỡng, giải phóng ra những hóa chất mang lại cảm giác tốt trong não khi bạn bị stress.

Các nghiên cứu khác cho thấy cảm giác thèm ăn có thể nổi lên đơn giản chỉ vì bạn đang ăn kiêng nghiêm ngặt hoặc đơn điệu và muốn thứ mà bạn không thể có.

Tuy nhiên, có một số cảm giác thèm ăn thực sự báo hiệu vấn đề về sức khỏe, và dưới đây là 3 trong số chúng:

Thèm ăn – Dấu hiệu của bệnh tật? - 1

Thèm nước: Bệnh tiểu đường

Khát nhiều là một triệu chứng sớm của bệnh tiểu đường, nhưng đây không chỉ là cảm giác thèm uống nước hay gặp khi kết thúc buổi tập thể dục. Đây là cảm giác khát rõ rệt hơn nhiều và cũng thường đi đôi với tiểu nhiều. Nếu bạn bị tiểu đường, lươ]ngj đường thừa tích tụ trong máu, và thận phải làm việc rát vất vả để lọc và hấp thụ lượng đường đó. Nhưng đôi khi chúng không thể theo kịp, vì vậy lượng đường thừa bị thoát vào trong nước tiểu, khiến cho bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn và do đó khát nước nhiều hơn.

Thèm muối: Bệnh Addison

Chúng ta không thèm muối vì chúng ta thường ăn muối nhiều hơn mức cần thiết. Ngoại lệ duy nhất là các vận động viên có thể mất quá nhiều muối do ra mồ hôi.

Đối với những người khác, thèm muối dữ dội có thể nghĩ đến bệnh Addison, trong đó tuyến thượng thận – nằm trên đỉnh quả thận – không sản sinh đủ hoóc-môn. Và những hoóc-môn này rất quan trọng vì chúng bao gồm cortisol, giúp cơ thể đáp ứng với stress, và aldosterone, giữ cho huyết áp cân bằng.

Nếu không điều trị, bệnh Addison có thể làm cho huyết áp tụt giảm xuống mức nguy hiểm.. Vì vậy hãy đi khám bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện cảm giác thèm thức ăn mặn một cách quá mức và dai dẳng, đặc biệt là nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào khác của bệnh Addison.

Thèm những thứ không có giá trị dinh dưỡng: Thiếu sắt

Thèm những thứ không có giá trị dinh dưỡng như đá lạnh, giấy, đất sét, hoặc đất bẩn là một hiện tượng gọi là pica. Và mặc dù cảm giác thèm này chưa được hoàn toàn hiểu rõ bởi các nhà khoa học, một số nghiên cứu đã liên hệ chúng với tình trạng thiếu sắt.

Một bài báo gần đây trên tờ Medical Hypotheses cho rằng việc nhai đá lạnh làm tăng lưu lượng máu đến não, chống lại sự trì trệ do thiếu chất sắt gây ra.

Cẩm Tú

Theo MSN