Thêm 4 bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn
Ngày 26/7, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết vừa tiếp nhận thêm 4 bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng cho biết, 1 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, 3 trường hợp còn lại điều trị tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp.
Cả 4 bệnh nhân này đều nhập viện trong tình trạng sốt cao, buồn nôn, đau đầu. Đáng chú ý, 1 bệnh nhân đã ăn tiết canh lợn trước đó biểu hiện bệnh nặng nhất. Các kết quả xét nghiệm tại Viện cho thấy những bệnh nhân này đều rơi vào thể bệnh viêm màng não (thể bệnh thứ 2 của bệnh này).
Mới đây, Bộ Y tế đã cùng với Bộ NN&PTNT thành lập đoàn công tác tìm hiểu về bệnh này trên người và lợn. Hiện nay, tổ công tác này đang phối hợp tìm hiểu cơ chế lây bệnh từ lợn sang người. Ngoài ra, bệnh này có khả năng lây sang các loại gia súc khác như bò, cừu, dê, mèo, chó...
Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi tiếp xúc hoặc ăn thịt các loài gia súc nghi mắc bệnh liên cầu khuẩn ở lợn. Theo PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, liên cầu lợn là vi khuẩn ở đường hô hấp của lợn.
Bệnh lây từ lợn sang người chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với lợn mang bệnh hoặc thịt lợn bị nhiễm trùng chưa nấu chín. Khi đó liên cầu lợn xâm nhập qua các vết thương trên da hay niêm mạc của mũi, miệng. Vì vậy, theo TS Đính khi tiếp xúc lợn ốm phải có phương tiện bảo hộ như khẩu trang, ủng, găng tay.
Sau khi tiếp xúc với lợn ốm, phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. Khi mua thịt lợn, người tiêu dùng phải kiểm tra xem lợn có nguồn gốc không, đã được cơ quan chức năng kiểm dịch mới mua.
Ngày 26/7, sau nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu, Cục Thú y mới chính thức ban hành hướng dẫn (số 1102/TY-DT) về biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh liên cầu khuẩn ở lợn (do virus streptococcus suis gây nên). Theo đó, đặc trưng của bệnh này là gây viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da, gây sảy thai và đột tử ở lợn.
Về triệu chứng, bệnh gây ra ở lợn rất khó nhận biết nhưng thường sốt cao (40-41,5oC), ủ rũ, biếng ăn, có biểu hiện thần kinh như run rẩy, đứng không vững, liệt… Bệnh này có thể lây sang người, với các triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp; tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.
* Cùng trong ngày 26/7, Trung tâm chẩn đoán Thú y TƯ đã có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm vịt, gà mắc bệnh tại phường Nam Thanh và Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), dương tính với virus cúm H5N1. Cùng ngày, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp địa phương tiêu huỷ 3.488 con vịt, 150 gà và 320 quả trứng.
Theo Thái Hà - Đức Kế
Tiền phong