Thế nào gọi là đuối nước ướt và đuối nước khô?
(Dân trí) - Tai nạn đuối nước xảy ra thường có hai loại là đuối nước ướt và đuối nước khô. Cần biết đặc điểm của hai loại đuối nước này để phân biệt và có biện pháp xử trí phù hợp nhằm cứu sống nạn nhân.
Đuối nước ướt xảy ra khi nạn nhân có đường hô hấp bị ngập nước, thực tế thường hay gặp và chiếm khoảng từ 85 đến 90% các trường hợp tai nạn đuối nước. Ngay sau khi nạn nhân té ngã xuống nước, đầu bị ngập chìm dưới nước, nạn nhân có phản xạ ngừng thở và khoảng chứng 2 phút thì phải thở hít vào, nước sẽ tràn ngập vào mũi, miệng; lúc này nạn nhân cố gắng thở sâu nhưng vô hiệu. Từ đây xuất hiện trạng thái co các cơ thành từng cơn, bị nôn mửa...; tại miệng và mũi nạn nhân ứ đầy nước bọt và chất nôn, mất các phản xạ và sau từ 2 đến 4 phút sẽ dẫn đến tử vong.
Đuối nước khô xảy ra và xuất hiện triệu chứng co thắt thanh quản sau khi đầu nạn nhân ngập chìm dưới nước. Tình trạng ngạt thở cấp tính này dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào của toàn cơ thể và khoảng từ 2 đến 3 phút sau nạn nhân có thể bị tử vong.
Bệnh lý do đuối nước gây nên
Khi bị đuối nước ướt hoặc đuối nước khô, nạn nhân có thể rơi vào trạng thái ngạt thở cấp tính, hạ thân nhiệt, toan chuyển hóa.
Trạng thái ngạt thở cấp tính xảy ra khi nạn nhân bị té ngã xuống nước bất ngờ nhưng không biết bơi hoặc có biết bơi nhưng dòng nước chảy siết, bị chuột rút, kiệt lực, kẹt trong các xe, tàu, thuyền bị nạn... Tình trạng ngạt thở cấp tính này cũng có thể xảy ra trong các trường hợp nạn nhân bị bất tỉnh do cơn động kinh, ngất xỉu, có uống thuốc ngủ, chấn thương sọ não... khi rơi xuống nước. Trạng thái ngạt thở cấp tính do đuối nước ướt chiếm đa số các trường hợp, nước tràn vào đường hô hấp làm cho các phế nang bị ngập lụt. Đường hô hấp bị tắc nghẽn do nước, màng phế nang, màng mao mạch tiếp xúc trực tiếp với nước gây ra các tổn thương tại các màng này dẫn đến trạng thái phù phổi cấp. Trạng thái ngạt thở cấp tính dẫn tới hậu quả tức thì là không có oxy cung cấp cho các mô tế bào của toàn cơ thể. Mô tế bào não rất nhạy cảm đối với tình trạng không có đủ oxy cung cấp nên các tế bào não bị phù cấp tính và tổn thương. Nếu nạn nhân bị đuối nước không được cứu nạn và sơ cấp cứu đuối nước kịp thời sẽ có nguy cơ bị ngừng tim và tử vong.
Trạng thái thân nhiệt hạ phụ thuộc vào nhiệt độ nước và thời gian cơ thể nạn nhân bị ngâm trong nước cho đến khi được cứu vớt lên. Do nhiệt độ nước thông thường ở sông, hồ khoảng từ 24 đến 26oC, mùa đông có thể giảm xuống dưới 20oC; vì vậy khi thân nhiệt hạ xuống dưới mức 36oC thì nạn nhân cảm thấy lạnh, rét run. Khi thân nhiệt hạ xuống mức 33oC gọi là mức giới hạn thì nhịp tim đập sẽ không còn đều nhịp nữa. Nếu thân nhiệt hạ xuống mức 29oC gọi là mức nguy hiểm, nếu ở mức 28oC thì xuất hiện hiện tượng rung tim; khi thân nhiệt ở mức từ 24 đến 26oC thường dẫn đến tử vong. Do đó nhân viên y tế hoặc người cứu nạn, cứu đuối cần chú ý ủ ấm cho nạn nhân, phục hồi thân nhiệt trở lại bình thường. Để đo thân nhiệt được chính xác, cần dùng nhiệt kế y khoa.
Trạng thái toan chuyển hóa xảy ra khi nạn nhân bị thiếu hụt oxy ở mô tế bào, ứ đọng acid lactic, do rối loạn điện giải và nôn mửa nhiều. Cũng có thể thấy trạng thái tán huyết, tăng kali, natri, chlorure trong máu; tăng thể tích máu...
Xử trí cấp cứu trong trường hợp đuối nước nguy kịch
Đối với các trường hợp đuối nước nguy kịch, cần kiểm tra việc thông khí đường hô hấp, đặt ống thông nội khí quản, cho thở oxy, hồi sức tim mạch, dùng thuốc lợi tiểu khi lượng nước tiểu giảm, dùng thuốc kháng sinh chống bội nhiễm, giữ ấm bằng cách đắp chăn ủ ấm... Điều quan trọng cần chú ý là chỉ được phép vận chuyển nạn nhân bị đuối nước khi đã cứu thoát họ khỏi trạng thái ngạt thở cấp tính.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh