1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thầy thuốc dân tộc - Điểm sáng của đồng bào thiểu số

(Dân trí) - Chỉ hơn 100 y bác sĩ nhưng họ là “nhịp cầu” tin cậy của các dân tộc thiểu số, góp phần chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Nhân kỷ niêm 59 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam đội ngũ y bác sĩ Dân tộc đã được ngành y tế TPHCM tôn vinh.

Theo thống kê của ban Dân tộc, trên địa bàn thành phố có 51 dân tộc thiểu số đã được đưa vào danh mục các dân tộc Việt Nam, ngoài ra còn 10 dân tộc nước ngoài là người mang quốc tịch Việt Nam như Ấn Độ, Malaysia, Philippines… đã sinh sống và làm ăn lâu dài tại thành phố nhưng chưa đưa vào danh mục dân tộc thiểu số Việt Nam. Với hơn 600 nghìn người dân tộc thiểu số đang cư ngụ nhưng các cộng đồng này chỉ có hơn 100 y bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Tuy nhiên, bác sĩ thuộc đồng bào dân tộc không chỉ góp phần chăm sóc sức khỏe người dân nói chung mà còn là điểm tựa quan trọng cho đồng bào dân tộc. Vượt qua những trở ngại về ngôn ngữ, điều kiện kinh tế, văn hóa… họ đã không ngừng học tập vươn lên trở thành những tấm gương sáng trong lòng bà con của đồng bào mình.

Ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế tặng quà cho các bác sĩ dân tộc
Ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế tặng quà cho các bác sĩ dân tộc

Chào mừng 59 năm ngày Thầy thuốc Việt nam, sáng 25/2 Sở Y tế đã tổ chức gặp mặt hơn 50 cán bộ y tế đại diện cho các y, bác sĩ là người dân tộc đang làm việc tại thành phố. Đây cũng là lần thứ 2, chương trình tôn vinh những người thầy thuốc Dân tộc được tổ chức nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các thầy thuốc là người Dân tộc được giao lưu học hỏi, phát huy khả năng, học tập và làm việc.

Phó giám đốc Sở y tế, ông Tăng Chí Thượng đánh giá: Mô hình bệnh tật ngày càng phức tạp khiến ngành y tế gặp nhiều khó khăn trong công tác, nhất là nhiệm vụ giữ an toàn, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo chăm sóc, điều trị cho người dân. Thầy thuốc người dân tộc đang làm việc ở nhiều vị trí khác nhau tại các cơ sở y tế đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân và hỗ trợ đắc lực cho ngành trong việc tiếp cận, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ông Ngô Văn Triển, Trưởng ban Dân tộc nhận định: “Bác sĩ dân tộc đang đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho bà con, tuyên truyền giúp cộng đồng hiểu về việc phòng và chữa bệnh, bỏ hủ tục lạc hậu. Họ cũng chính là những người tạo sức lan tỏa, cổ vũ tinh thần của các con em đồng bào dân tộc cố gắng vươn lên học tập để nối tiếp và nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố.”

Nhân sự kiện ngày Thầy thuốc Việt Nam bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố cùng đoàn đã đến thăm hỏi và tặng quà chúc mừng GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Anh hùng lao động, nguyên Giám đốc bệnh viện Từ Dũ; bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1; cùng đội ngũ y-bác sĩ bệnh viện Y học Cổ truyền và bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn.

GS Phượng (thứ 2 bên trái) khuyên bác sĩ trẻ phải biết yêu thương bệnh nhân
GS Phượng (thứ 2 bên trái) khuyên bác sĩ trẻ "phải biết yêu thương bệnh nhân"

Bà Thư ghi nhận những cống hiến của các cá nhân, tập thể trong sự nghiệp phát triển ngành y tế thành phố và đất nước, đồng thời bày tỏ mong muốn các thầy thuốc tiếp tục có đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, truyền thụ kinh nghiệm nghề nghiệp cho đội ngũ y - bác sĩ trẻ.

GS. BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ, trong thời gian qua ngành y tế còn nhiều “con sâu” nên dư luận đã có cái nhìn phản cảm. Tuy nhiên, về sâu xa hầu hết những người đang hoạt động trong ngành y đều quên mình vì người bệnh. GS Phượng cũng gửi lời nhắn nhủ với đội ngũ y bác trẻ sĩ trẻ: “Người thầy thuốc phải có tâm, trước hết là biết yêu thương bệnh nhân, tìm mọi cách cứu người, thứ đến là tự hoàn thiện mình tránh sai lầm không đáng có”.

Vân Sơn