Thanh Hóa gồng mình chống dịch lợn châu Phi bùng phát trở lại

(Dân trí) - Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tình hình dịch tả lợn châu Phi lắng xuống chưa được bao lâu thì tình trạng bệnh này lại tiếp tục bùng phát trở lại, lây lan nhanh chóng đến nhiều huyện, thành phố.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, thống kê đến thời điểm chiều ngày 15/5, trên toàn địa bàn tỉnh có 345 hộ dân bị ảnh hưởng, 141 thôn, 71 xã, 14 huyện có dịch tả lợn châu Phi. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy tổng 5.988 con lợn với trọng lượng 378.442,4kg.

Đặc biệt mới nhất và có số lượng lợn mắc dịch nhiều ở các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nông Cống, Hậu Lộc và TP. Thanh Hóa.

Thanh Hóa gồng mình chống dịch lợn châu Phi bùng phát trở lại - 1

Cơ quan chức năng tiêu hủy lợn mắc bệnh tại huyện Hậu Lộc.

Tại TP. Thanh Hóa, ngày 13/5, UBND thành phố cũng đã ra công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Quảng Cát. Ổ dịch xuất hiện tại 1 hộ dân thuộc thôn 9, có 5 con lợn nái và 60 con lợn con bị lây bệnh.

Chính quyền thành phố cũng đã ráo riết triển khai các biện pháp dập dịch theo quy định để tránh lây lan và gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Đồng thời, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, các đầu mối trung chuyển cơ sở giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tại huyện Hậu Lộc, vào ngày 29/4/2019, tại thôn Thành Phú, xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc có 2 hộ gia đình chăn nuôi xảy ra tình trạng lợn bị chết. Trong đó, hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Ngọc là 25 con, và hộ gia đình bà Trần Lệ Mỹ là 10 con lợn bị chết.

Cũng tại hộ chăn nuôi của ông Trịnh Văn Vinh, thôn Đông Tiến, xã Tuy Lộc đã có 7 con lợn mắc bệnh, chết. Ngay khi xảy ra sự việc, Chi cục Thú y tỉnh vùng 3 đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm tại phiếu số 924 và 925/CĐXN-CĐ cho thấy số lợn mắc bệnh, chết của các hộ dương tính với dịch tả lợn Châu phi.

Ngay sau đó, UBND huyện này đã nhanh chóng cho tiêu hủy 225 con lợn (6.781 kg) bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, đồng thời tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại và thành lập các chốt kiểm soát đối với lợn và các sản phẩm từ lợn vào vùng dịch.

Tại huyện Quảng Xương, trong vòng 12 ngày từ ngày 2/5 – 14/5, trên địa bàn đã có 12 xã công bố dịch tả lợn Châu Phi. Cho đến thời điểm hiện tại, huyện đã tiêu hủy tổng cộng 800 con lợn, tổng trọng lượng 56.241kg, thiệt hại kinh tế ước tính hơn 3,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Duy Bách, phó phòng Nông nghiệp huyện Quảng Xương cho biết: “Từ ngày 25/2, UBND huyện đã có công điện khẩn về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn trên địa bàn huyện. Trong một thời gian dài liên tục lấy mẫu kiểm tra nhưng không phát hiện lợn mắc bệnh, cho đến ngày 2/5, dịch tả lợn bắt đầu từ một con lợn đực ốm tại xã Quảng Thạch sau đó nhanh chóng lan rộng ra các xã khác”.

Theo ông Bách, nguyên nhân dịch lan nhanh là vì Quảng Xương là một huyện đặc biệt với rất nhiều tuyến đường lớn, quốc lộ chạy qua, mật độ giao thông lớn nên rất khó khăn để kiểm soát được dịch bệnh đến từ các phương tiện vận chuyển hàng hóa, vật nuôi qua lại.

Thanh Hóa gồng mình chống dịch lợn châu Phi bùng phát trở lại - 2

Nhiều huyện lập chốt chống dịch tả lợn châu Phi.

Mặt khác, ở các xã như Quảng Trung, Quảng Chính, Quảng Khê, Quảng Lĩnh, Quảng Trường là những xã có diện tích trồng thuốc Lào lớn. Bà con lại sử dụng nguồn phân bón chủ yếu từ phân lợn cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh ở các xã này.

Cùng với đó là trên địa bàn huyện, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn đến 60% nên hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật khó kiểm soát.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tả lợn châu Phi, huyện Quảng Xương đã huy động mọi nguồn lực để triển khai các biện pháp ngăn chặn, khống chế, dập tắt dịch bệnh. Tại các xã có dịch, lực lượng chức năng đã lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại đầu ra, mỗi xã ít nhất 2 trạm kiểm soát, riêng xã Quảng Trung có 7 chốt kiểm dịch 24/24.

Trước đó,  từ ngày 25/2 đến 25/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện, lan rộng tại 46 hộ dân ở 20 xã thuộc 4 huyện là: Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Thường Xuân, TP. Thanh Hóa. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy gần 1.400 con lợn mắc bệnh.

Bình Minh