Thành công của ghép gan, mở toang cánh cửa sự sống

(Dân trí) - Ca ghép gan đầu tiên trên người lớn ở phía Nam được thực hiện thành công tại bệnh viện Chợ Rẫy đánh dấu bược ngoặt của ngành ghép tạng trong nước. Thành tựu y học này đã mở toang cánh cửa sự sống cho những người bị bệnh gan giai đoạn cuối.

Cơ hội kéo dài sự sống cho người mang bệnh gan

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B, C rất cao. Ước lượng tỷ lệ viêm gan ở nước ta từ 8 - 15% dân số. 10% trong số đó diễn tiến sang xơ gan, thoái hóa chuyển thành ung thư gan. Khi gan không đảm nhiệm được chức năng thải độc thì việc điều trị bằng thuốc trong giai đoạn xơ gan (còn bù) chỉ có thể kéo dài sự sống được từ 5 - 7 năm. Sau thời gian trên bệnh chuyển sang giai đoạn xơ gan (mất bù) việc dùng thuốc không còn hiệu quả nên người bệnh cần tiến hành ghép để thay gan. Ghép gan cũng được tiến hành trên bệnh nhân có bệnh suy gan tối cấp, bệnh gan bẩm sinh làm cho chức năng gan suy giảm.

Đây là con số khá lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng đòi hỏi phải giải quyết. Từ năm 1992, Việt Nam đã tiến hành ca ghép gan đầu tiên tại bệnh viện 103. Tại bệnh viện Chợ Rẫy năm 1994 đã tiến hành ghép gan thực nghiệm trên heo. Khoảng 3 năm trở lại đây, bệnh viện quyết tâm thực hiện kỹ thuật này nên đã cử nhiều BS đến Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc để học tập kỹ thuật ghép gan. Từ 2010 bệnh viện đã hợp tác với trung tâm y khoa ASAN (Hàn Quốc), một nhóm 15 người gồm phẫu thuật viên, điều dưỡng phòng mổ, bác sĩ hồi sức, bác sĩ gây mê, bác sĩ giải phẫu bệnh đã được cử sang đây học tập.

Sau ca ghép gan, bà Đính đang bình phục rất tốt
Sau ca ghép gan, bà Đính đang bình phục rất tốt

Khi các chuyên viên đã nắm vững tay nghề, bệnh viện tiến hành thực hiện đề tài cấp Bộ về “ghép gan từ người cho gan sống và ghép gan từ người cho chết não”. Được sự hỗ trợ kinh phí từ Bộ Y tế và Chợ Rẫy, ngày 12/10 ca ghép đầu tiên của khu vực phía Nam được thực hiện tại bệnh viện. Bệnh nhân may mắn được chọn là Cung Thị Kim Đính, một cô giáo 52 tuổi, ngụ tại Đắk Nông và người cho chính là con trai của bà.

Bà Đính từng mổ viêm túi mật năm 2000, ít năm sau bà bị hẹp đường mật gây biến chứng xơ gan diễn tiến tới suy gan. Gần 10 năm qua bà đã điều trị tại Chợ Rẫy nhưng gần đây việc điều trị không còn hiệu quả, bệnh nhân thường xuyên chảy máu đường tiêu hóa. BS khuyên gia đình đưa bệnh nhân sang nước ngoài phẫu thuật nhưng gia đình công chức nên không đủ điều kiện.

PGS/TS/BS Nguyễn Tấn Cường, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy, cho biết: “Cuộc phẫu thuật cắt ghép được sự hỗ trợ trực tiếp của 4 bác sĩ đến từ bệnh viện ASAN. Phía Chợ Rẫy gồm 11 bác sĩ tham gia cuộc mổ và đội ngũ nhân viên phục vụ. Đây là ca ghép gan đầu tiên trên người lớn ở khu vực phía Nam nên cần đảm bảo tuyệt đối cho sự an toàn của người bệnh. Ê kíp của bệnh viện chưa thực hiện thường quy ca mổ, nếu đảm nhận toàn phần thì thời gian có thể sẽ phải kéo dài hơn dự kiến không có lợi cho người bệnh. Tất cả đều phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người cho và tuyệt đối an toàn cho người nhận đồng thời phải đảm bảo cuộc mổ ít chảy máu nhất, tiến hành trong thời gian ngắn nhất có thể.

Cuộc cắt ghép diễn ra thuận buồm xuôi gió trong hơn 12 giờ bác sĩ đã cắt và ghép thành công 65% thể tích gan của người con vào cơ thể người mẹ, toàn bộ cuộc ghép chỉ tốn 7 đơn vị máu 6 đơn vị huyết tương và 6 khối tiểu cầu. Thời gian cuộc ghép diễn ra gần như tương đương với việc cắt ghép ở bệnh viện bạn. Lần đầu tiên thực hiện ca ghép nhưng phía bệnh viện Chợ Rẫy đã đáp ứng gần 100% trang thiết bị, quá trình hồi sức cũng đáp ứng đúng và đủ chuẩn.

Một tháng sau ca ghép, người con cho gan đã trở lại với việc học tập, người mẹ đã có thể đi lại và ăn uống được. Nhờ sử dụng thuốc chống thải ghép theo đúng quy trình và được chăm sóc tích cực nên hiện tượng thải ghép không xảy ra, dự kiến tuần tới bệnh nhân sẽ được xuất viện. Bà Đính chia sẻ trong xúc động: “Mang bệnh nặng đã lâu nhưng tôi vẫn không thôi hy vọng. Ngày nhận tin sẽ được thực hiện ca ghép do Bộ Y tế và bệnh viện hỗ trợ, cả gia đình dòng họ đều vui mừng. Nhờ sự tiến bộ của y học tôi đã được cứu sống khi đã cận kề với cái chết. Sự chăm sóc tận tình của bác sĩ giúp tôi nhanh chóng khỏe mạnh chỉ còn chờ ngày về với gia đình. Cảm ơn Bộ Y tế, cảm ơn bệnh viện đã mang sự sống lại cho tôi”.

Cần “cởi trói” cho luật hiến ghép tạng

Sau đề tài ghép gan ở người cho gan sống, bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiếp tục thực hiện ca ghép từ gan của người cho chết não. “Bệnh viện đang lên danh sách cho bệnh nhân cần ghép, nếu có trường hợp người chết não tự nguyện hiến tạng chúng tôi sẽ tiến hành ngay. Trong trường hợp này, thời gian hồi sức cho bệnh nhân chết não chỉ có thể kéo dài trong vòng 2 đến 3 ngày. Có thể chúng ta sẽ không đủ thời gian để mời đơn vị bạn tới hỗ trợ, khi đó ê kíp của Chợ Rẫy phải hoàn toàn đảm nhận nhiệm vụ của cuộc ghép.

Ngành ghép tạng đang gặp rào cản lớn từ hành lang pháp lý
Ngành ghép tạng đang gặp rào cản lớn từ hành lang pháp lý

Dù chi phí y tế ở mỗi quốc gia có sự khác nhau nhưng để thực hiện ca ghép gan tại Hồng Kông người bệnh phải tốn hơn 2 tỷ, tại Singapore người bệnh phải chi gần 4 tỷ. Trong khi đó một ca ghép tại Việt Nam theo kinh nghiệm của bệnh viện Việt Đức chi phí trung bình chỉ tốn khoảng 1,5 tỷ đồng.

Theo PGS/TS/BS Nguyễn Tấn Cường: “Ghép gan đã mở ra một triển vọng mới cho bệnh nhân gan giai đoạn cuối nhưng nguồn cho gan đang rất khan hiếm. Để tăng nguồn tạng hiến, các nước phát triển đã tiến hành làm thẻ cá nhân ghi rõ nhóm máu và những xét nghiệm cơ bản, trên thẻ cho biết cá nhận đó có đồng ý hiến tạng hay không khi có vấn đề xảy ra với bản thân. Tại các nước châu Âu một mạng lưới điều phối tạng ghép đang hoạt động rất hiệu quả, chỉ cần một người đồng ý hiến tạng sẽ mang lại cơ hội sống cho nhiều người.

Bộ Y tế Việt Nam đã có quyết định thành lập trung tâm điều phối tạng ghép nhưng đến nay vẫn chưa có ban điều hành. Phải có mạng lưới này thì mới có thể tăng lượng tạng cho nếu không mỗi bệnh viện sẽ đơn thương độc mã trong ghép tạng, chỉ sử dụng được một bộ phận cần ghép gây lãng phí những bộ phận quý giá còn lại.

Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay đối với ghép tạng nói chung và ghép gan nói riêng là chúng ta đang bị ràng buộc bởi pháp luật. Quy định hiện nay chỉ cho phép lấy nội tạng từ người cho có cùng huyết thống hoặc vợ chồng chứ chưa có quyết định về luật cho phép nhận tạng hiến từ người cho tự nguyện. Sau khi ca ghép gan thành công ở Chợ Rẫy ít nhất 3 người đã gọi điện đến đăng ký cho những người bệnh chờ ghép một phần gan nhưng vì chưa có được sự cho phép của pháp luật nên chúng tôi chưa thể tiến hành được.

Thực tế sau 20 năm thủ thuật ghép tạng được tiến hành mới có 500 ca được ghép thận, ghép gan cho tới nay đang tạm dừng lại ở 25 trường hợp cả trẻ em và người lớn. Con số trên quá nhỏ so với nhu cầu. Do đó, chúng tôi mỏng mỏi Bộ Y tế trình với Quốc hội để mở rộng luật hiến ghép tạng tại Việt Nam nếu không chúng ta khó có thể phát triển được kỹ thuật cứu người rất hiệu quả này.

Vân Sơn - Tùng Nguyên