Những sự cố ngoài dự tính của ca ghép gan người lớn đầu tiên

(Dân trí) – Trong lúc thực hiện ca cắt ghép, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có tới 3 lá lách, biến chứng xơ gan khiến lách bị cường rất nặng. Ê kíp phẫu thuật đã phải cắt bỏ toàn bộ lách của người bệnh để đảm bảo an toàn cho sức khỏe về sau.

Ca ghép gan trên người lớn đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện Chợ Rẫy trong ngày 12/10 có sự góp sức của 37 người, trong đó có 11 bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Chợ Rẫy và 16 bác sĩ, kỹ thuật viên của được mời đến từ bệnh viện Asan Medical Center (Hàn Quốc). Cuộc cắt ghép bắt đầu từ 9h sáng và diễn ra khẩn trương nhưng cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Các bác sĩ hồi hộp theo dõi ca ghép gan
Các bác sĩ hồi hộp theo dõi ca ghép gan

Trong quá trình cắt ghép gan của người cho và người nhận, một số sự cố ngoài dự tính (bao gồm cả tốt lẫn không tốt) đã xảy ra. Tình trạng tăng men gan của người cho nhiều khả năng là do trước đó có sử dụng bia rượu khiến bác sĩ phải khẩn trương can thiệp, sự cố này khiến quá trình lấy gan suýt bị gián đoạn.

Theo dự kiến của bác sĩ, cuộc phẫu thuật sẽ khiến hai người bệnh mất nhiều máu, tuy nhiên nhờ sử dụng loại dao cusa (thiết bị phẫu thuật mới) có công dụng hút mô, hạn chế đến mức tối đa sự tác động đến những mô lành xung quanh nên gần như không gây chảy máu. Khoảng 15h30 việc lấy gan từ người cho kết thúc, ổ bụng được đóng lại nhưng bệnh nhân không phải truyền máu, điều này tạo thuận lợi cho quá trình hồi sức.

Trong lúc cắt ghép một phát hiện hi hữu khiến các bác sĩ cũng “giật mình”, người mẹ có tới 3 lá lách (người thường chỉ có 2 lá lách). Tuy nhiên, biến chứng xơ gan đã khiến bệnh nhân bị cường lách quá nặng, diễn tiến ngoài dự tính đã xảy ra khi bác sĩ buộc phải cắt bỏ toàn bộ lách bị cường. “Để lại lách rất nguy hiểm vì chúng sẽ phá hủy hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu của người ghép gây khó khăn cho quá trình hậu phẫu và chống thải ghép sau này”, BS Nguyễn Tường Khoa, khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy cho biết.

Người phụ nữ được ghép gan buộc phải cắt bỏ 3 lá lách
Người phụ nữ được ghép gan buộc phải cắt bỏ 3 lá lách

Đến 16h cùng ngày công đoạn cắt bỏ gan bị xơ cho người mẹ kết thúc, phần gan người con hiến tặng được đưa vào ổ bụng của bà, quá trình ghép nối bắt đầu. Lúc này tình trạng sức khỏe của người bệnh ổn định, mạch và huyết áp đều tốt. Vết mổ của người mẹ bị cháy máu nhưng lượng máu không nhiều.

Lúc 20h, người con trai cho gan đã tỉnh lại. Khi bác sĩ và người nhà vào thăm hỏi anh đã nói chuyện được. Trong khi đó tại phòng mổ ê kíp phẫu thuật tỷ mẫn thực hiện ghép từng chi tiết nhỏ “món quà sự sống” người con vừa dành tặng mẹ.

Ca ghép gan bước đầu đã thành công
Ca ghép gan bước đầu đã "thành công"

Quá trình ghép gan diễn ra thuận lợi, đến 22h ca ghép hoàn tất, bác sĩ kiểm tra lại lần cuối. Hai phần gan của cả người nhận và người cho vừa được ghép với nhau đều hồng hào, máu lưu thông tốt. Ổ bụng của người mẹ được đóng lại, từ phòng mổ BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy nhận định “ca ghép gan đã đạt được thành công bước đầu”. Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được hồi sức tích cực, theo dõi sát.

Trước khi bước vào ca ghép gan mang tính “lịch sử” này, bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị 100 đơn vị máu, 100 đơn vị huyết tương, 60 khối tiểu cầu. Tuy nhiên nhờ tay nghề rất chuẩn của các bác sĩ Hàn Quốc, bệnh nhân ít mất máu, ngoài người con không phải dùng đến máu, người mẹ cũng chỉ phải truyền 7 đơn vị máu, 6 đơn vị huyết tương và 6 khối tiểu cầu.

Vân Sơn