“Thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não là một bước tiến quan trọng”
(Dân trí) - Đó là khẳng định của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quận ủy Trung Ương, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng trong buổi thăm, làm việc và chúc mừng thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào sáng nay (27/3).
Tại buổi làm việc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch thay mặt Quận ủy Trung ương, Lãnh đạo Bộ Quốc phòng chúc mừng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 về thành tích của bệnh viện trong thời gian qua và nhất là việc thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch tặng hoa và quà cho các ê kíp bác sĩ tham gia vào ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm hỏi bệnh nhân Trần Ngọc Hanh sáng 27/3.
Làm chủ khoa học công nghệ trong ca ghép phổi lấy từ người cho chết não
Báo cáo với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, GS.TS Mai Hồng Bàng – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, ngày 15/10/2015, Bộ Khoa học & Công nghệ giao Bệnh viện TƯQĐ 108 triển khai nhiệm vụ khoa học & công nghệ độc lập cấp quốc gia: “Nghiên cứu triển khai ghép phổi lấy từ người cho chết não” do GS.TS. Mai Hồng Bàng làm Chủ nhiệm. Sau đó Bệnh viện được Chính phủ, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Quốc phòng tin tưởng giao thực hiện đề án KHCN tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện TƯQĐ 108.
GS.TS Mai Hồng Bàng – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 báo cáo tiến trình thực hiện ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Bệnh viện đã tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại (phòng mổ, phòng hồi sức, các thiết bị chuyên sâu dùng cho ghép phổi...), thuốc, vật tư y tế; tổ chức ghép thực nghiệm. Bệnh viện đã cử hơn 30 bác sĩ, phẫu thuật viên đi học tập ghép phổi tại Bệnh viện Foch, Cộng hòa Pháp - là trung tâm ghép phổi số 1 của Pháp và là 1 trong 3 trung tâm ghép phổi hàng đầu Châu Âu; tại đây các bác sĩ của Bệnh viện TƯQĐ 108 đã tham gia học tập về chuyên môn và công tác tổ chức điều phối, trong quá trình đó các bác sĩ của Bệnh viện được tham gia trực tiếp 20 ca ghép phổi…
Bệnh viện đã xây dựng và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật tuyển chọn bệnh nhân, quy trình hồi sức bệnh nhân chết não hiến tạng, quy trình phẫu thuật, gây mê hồi sức, điều trị chăm sóc sau ghép phổi… Đồng thời Bệnh viện đã hợp tác với các trung tâm ghép tạng lớn để học tập, tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật ghép tạng khác và vận động tuyển chọn bệnh nhân có chỉ định ghép phổi, tích cực vận động bệnh nhân chết não hiến tạng tiềm năng.
Ngày 24/02/2018, sau khi có người hiến tạng (Bệnh nhân nam 45 tuổi, được chẩn đoán chết não, gia đình tình nguyện hiến tạng) và người nhận phổi phù hợp là bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, sinh năm 1964, quê quán: Xuân Trường-Nam Định, chẩn đoán suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối, tình nguyện ghép phổi.
Chỉ trong gần 40 giờ đồng hồ, chạy đua với thời gian vừa hồi sức bệnh nhân chết não hiến tạng - đảm bảo nguyên vẹn, đầy đủ tiêu chí phổi ghép và các tạng ghép khác, vừa hội chẩn liên viện, hội chẩn quốc tế với các chuyên gia ghép phổi của Bệnh viện Foch - Cộng hòa Pháp xác định phương pháp phẫu thuật là ghép toàn bộ hai phổi; đồng thời phối hợp với Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và với một số đơn vị ghép tạng lớn trong nước để sẵn sàng điều phối ghép đa tạng… tất cả đã sẵn sàng cho ca ghép phổi phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam và ghép đa tạng xuyên Việt lịch sử!
Ca ghép phổi đã được hoàn thành hồi 18h ngày 26.2.2018.
Ngày 26/02/2018, các kíp kỹ thuật của Bệnh viện đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ lấy – ghép phổi và các tạng khác. Sau gần 8 giờ, dưới sự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Công hòa Pháp (1 phẫu thuật viên, 1 bác sĩ gây mê), 1 chuyên gia ghép tạng đến từ Bỉ và hơn 60 bác sĩ, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép đặc biệt – ca ghép phổi lấy từ người cho chết nào đầu tiên ở Việt Nam.
“Sau ghép, bệnh nhân hồi phục tố, rút nội khí quản sau 20 giờ, chức năng hô hấp sau ghép tốt. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tự vận động, chức năng phổi ghép ổn định” – GS.TS Mai Hồng Bàng cho biết.
Bệnh nhân sau ghép phổi ngày thứ 15 tại Bệnh viện TƯQĐ 108.
GS.TS Mai Hồng Bàng cũng thông tin thêm, cùng thời điểm thực hiện ca ghép phổi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành lấy đa tạng ghép và phối hợp ghép cho 5 bệnh nhân khác. Cụ thể, tổ chức ghép thận ngay 01 thận cho một đồng chí Trung tá; 01 giác cho một đồng chí Đại tá; chuyển 1 giác mạc còn lại ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện mắt Trung ương; đồng thời phối hợp chặt chẽ với trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, bảo quản, vận chuyển tim và 1 thận ghép cho hai bệnh nhân khác nữa tại Bệnh viện Chợ Rẫy –TPHCM.
"Một bước tiến quan trọng cho nền y học nước nhà"
“Đây là điều vô cùng hạnh phúc đối với các đồng chí bởi nó đã đem lại sự sống cho người bệnh, không phải là một người bệnh mà sẽ là nhiều người bệnh. Bên cạnh đó cũng mở ra một trang mới cho ngành ghép tạng Việt Nam. Sự thành công của ca phép phổi này dần khẳng định những nỗ lực chinh phục đỉnh cao y học, trình độ tay nghề của các thầy thuốc Việt Nam nói chung, các bác sĩ, thầy thuốc của bệnh viện 108 nói riêng trong chuyên ngành ghép tạng, góp phần tạo ra một bước tiến quan trọng cho nền y học nước nhà, mở ra việc xây dựng, phát triển chuyên ngành ghép tạng, một trong những chuyên ngành hiện tại nhất của y học” – Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói với tập thể cán bộ, nhân viên của bệnh viện 108.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quận ủy Trung Ương, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng tại buổi làm việc với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng cho rằng, ghép tạng là một thành tựu lớn lao của ngành y học thế giới và là niềm mơ ước bao lâu nay của ngành y học Việt Nam. Mục đích của ghép tạng là để cứu sống người bệnh, việc thành công vừa qua là một bước tiến đáng phấn khởi, tự hào nhưng đó chỉ là những bước đầu. Vì thế, sau thành công này, bệnh viện cần tổ chức các cuộc hội thảo khoa học chuyên sâu về lĩnh vực ghép tạng, đồng thời tiếp tục đầu tư nghiên cứu khoa học, tiếp cận và tăng cường hơn nữa, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong khám, chữa bệnh và tích cực tham gia trong hệ thống ghép tạng của cả nước để góp phần xây dựng chuyên thành ghép tạng quốc gia Việt Nam để mang lại sự sống cho nhiều người bệnh.
Cũng theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bệnh viện Trương ương Quân đội 108 là một trong những bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối của quân đội, đây cũng là một trong những bệnh viện đầu ngành của quốc gia. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luôn được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội trong việc đầu tư cả nhân lực, con người, kể cả về cơ sở vật chất, nhiều trang thiết bị hiện đại thuộc thế hệ mới…
“Các đồng chí cần xây dựng chiến lược cụ thể để phát triển Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sớm trở thành bệnh viện có đẳng cấp quốc tế, đáp ứng ngày càng cao hơn về nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, chất lượng phục vụ chăm sóc người bệnh có tính chuyên nghiệp cao, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí quốc gia trong tổ chức quản lý bệnh viện và xây dựng môi trường văn hóa. Bệnh viện cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh, chú trọng hợp tác nghiên cứu khoa học với các bệnh viện có trung tâm nghiên cứu khoa học lớn ở trong nước cũng như quốc tế” – Đại tướng Ngô Xuân Lịch quán triệt.
Nguyễn Hùng