Lần đầu tiên Việt Nam thành công ca ghép phổi từ người cho chết não

(Dân trí) - Nhận được phổi từ một người cho chết não, bệnh nhân Trần Ngọc Hanh (sinh năm 1964, Nam Định) đã thoát khỏi tình trạng có thể chết bất cứ lúc nào vì đã suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Đây là ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam.

Ca ghép hai phổi đầu tiên

Ngày 16/3, Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108 thông tin về ca ghép phổi đặc biệt này tại bệnh viện.

Lần đầu tiên Việt Nam thành công ca ghép phổi từ người cho chết não - 1

Bệnh nhân Trần Ngọc Hanh bị tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối. Bệnh nhân bị suy hô hấp thường xuyên phải cấp cứu tại bệnh viện, có những đợt phải thở máy, oxy liên tục. Tình trạng chung của bệnh nhân ngày càng suy sụp, đe dọa tử vong bất cứ lúc nào.

Cơ hội duy nhất để bệnh nhân tiếp tục sống là được ghép phổi. Vì thế, ngay khi có nguồn phổi hiến từ người cho chết não, các chỉ số hòa hợp, các bác sĩ đã quyết định ghép phổi để cứu người bệnh.

“Đến hôm nay, chúng tôi thở phào, nhẹ tới 80%. Như bố tôi nói với mọi người, bố tôi ổn 80%, gia đình tôi cũng vậy. Trước đây, ông khó thở, hay phải thở oxy. Đến lúc được giải thích để ghép phổi, gia đình rất lo lắng. Chúng tôi đã tìm hiểu trên mạng nhưng rất mông lung, bác sĩ giải thích ghép tạng nhưng gia đình cũng rất lo lắng. Tuy nhiên bố tôi rất quyết tâm, tôi vẫn nhớ ông nói với tôi, “Anh cứ viết cho tôi cái đơn, còn quyền là ở tôi”, anh Nguyễn Hùng Mạnh, con rể bệnh nhân cho biết.

Lần đầu tiên Việt Nam thành công ca ghép phổi từ người cho chết não - 2

Sau ca ghép phổi được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào ngày 26/2/2018 vừa qua, đến nay bệnh nhân đã tự vận động, đi lại, ăn uống nhẹ nhàng, tự thở, các xét nghiệm ổn định, khí phổi, khí máu ổn định.

“Tôi không còn khó thở như trước. Tôi đã tự thở được”, bệnh nhân chia sẻ từ phòng chăm sóc đặc biệt.

Theo GS Bàng, ghép tạng Việt Nam đã trải qua 25 năm với các kỹ thuật ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép tuỵ, ghép giác mạc… và một số bộ phận cơ thể khác. Tuy nhiên ghép phổi vẫn là một thách thức lớn với nền y học. Theo đánh giá, ghép phổi khó nhất bởi tính phức tạp, khẩn trương, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, phối hợp, điều phối chặt chẽ.

Tại Việt Nam đã tiến hành thành công ca ghép từ người cho phổi sống. Tuy nhiên, ghép phổi từ người cho chết não có nhiều khó khăn hơn rất nhiều.

Bởi ở người cho sống, các bác sĩ có sự chủ động, chuẩn bị và thường chỉ lấy một thùy hoặc phân thùy để ghép cho bệnh nhân. Còn với ghép phổi từ người cho chết não, lúc này tình trạng rất khẩn cấp, yêu cầu phải hồi sức đảm bảo giữ phổi nguyên vẹn mới có thể ghép phổi. Trong một thời gian rất ngắn, ghép phức tạp rồi tất cả các vấn đề từ gây mê, sau phẫu thuật, hồi sức phức tạp… Nhất là trườn hợp này ghép 2 phổi đồng thời.

Ở ca ghép này, kể từ khi nhận được thông tin có người cho chết não hiến tạng, các bác sĩ chỉ có khoảng 40 giờ đồng hồ để hội chẩn liên viện, hội chẩn quốc tế trước khi tiến hành lấy đa phủ tạng, ghép tạng cho các bệnh nhân.

6 bệnh nhân cùng được ghép tạng

GS Bàng cho biết, đây không chỉ là ca ghép phổi từ người cho chết não đơn thuần mà là 1 trường hợp ghép đa tạng cho nhiều người trong cùng 1 thời gian rất ngắn.

Cụ thể, ghép thận cho 1 bệnh nhân và ghép giác mạc cho hai bệnh nhân tại BV TW Quân đội 108; Hai bệnh nhân đã được ghép giác mạc; một bệnh nhân được ghép tim, một bệnh nhân được ghép thận tại BV Chợ Rẫy. Các bệnh nhân sau ghép tạng đều ổn định.

Lần đầu tiên Việt Nam thành công ca ghép phổi từ người cho chết não - 3

GS Bàng chia sẻ thêm, để chuẩn bị cho ca ghép lịch sử này, Bệnh viện TW QĐ huy động lực lượng hùng hậu lên đến 60 người thuộc Ban chỉ đạo, Ban điều phối – thư ký, Đơn vị ghép phổi của Trung tâm ghép tạng Bệnh viện TW Quân đội 108, bên cạnh đó có sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi nước ngoài.

Trước đó, từ tháng 3/2016, Bệnh viện triển khai Đề án KHCN tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện TWQĐ 108. Để chuẩn bị nguồn lực cho ghép tạng, bệnh viện đã từng gửi 4 ekip sang bệnh viện ở Pháp – nơi đã thực hiện trên 600 ca ghép phổi. Ngoài ra, học hỏi tại Nhật Bản, Hàn Quốc, tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các bệnh viện trong nước. Đến nay Bệnh viện đã thực hiện thành công 18 ca ghép thận, 1 ca ghép gan, 04 ca giác mạc, 05 ca ghép tủy… Tất cả các bệnh nhân sau khi ghép đều ổn định sức khỏe, trở về cuộc sống , sinh hoạt bình thường.

Theo GS Bàng, kết quả thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên lấy từ người cho chết não ở Việt Nam là sản phẩm đặc biệt của Đề tài Khoa học công nghệ Cấp Quốc gia và Đề án Phát triển Trung tâm nghiên cứu- phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại BV Trung ương Quân đội 108. Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai ghép 11 tạng trong dự án Chính phủ giao cho bệnh viện, như ghép tử cung, ghép ruột, ghép tim, ghép thận, ghép gan, ghép thận tuỵ…

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm