“Thần dược” cho trẻ: Sau tăng cân là teo tay chân
(Dân trí) - “Lạm dụng tác dụng phụ của thuốc điều trị với mục đích “siêu tăng cân” sẽ khiến trẻ bị tích nước, bụng to tròn còn chân tay lại teo tóp vì giảm đạm… kèm theo nhiều tác hại lâu dài của loại thuốc hoóc môn như rối loạn chuyển hóa mỡ, đường, đạm”.
Để hiểu rõ hơn về tác hại của việc lạm dụng Dexamethasone với mục đích “siêu tăng cân”, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (ảnh dưới) về vấn đề này.
Trước hết cần khẳng định, Dexamethasone là một loại thuốc điều trị bệnh, là thuốc độc bảng B. Vì thế, nếu đúng là sử dụng loại thuốc dexamethasone với mục đích tăng cân cho trẻ em là quá nguy hiểm!
Vậy những nguy hại của việc tăng cân này là như thế nào, thưa ông?
Hơn thế, Dexamethasone còn có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác vì đây là một loại corticoid, là một loại hoóc môn với rất nhiều tác dụng, làm giảm nhanh triệu chứng của nhiều bệnh như thấp khớp cấp, rối loạn liên quan miễn dịch, viêm khớp.
Do có nhiều tác dụng và rất “độc” nên chỉ được dùng khi có bác sĩ kê đơn. Thuốc cũng thường chỉ được dùng trong thời gian ngắn 5-7 ngày. Với những trường hợp nặng phải dùng dài ngày thì luôn có sự theo dõi, chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Nếu thấy người dùng tăng cân nhiều, bác sĩ lại phải điều chỉnh thuốc vì tăng cân lúc này là tác dụng phụ có hại do tích nước, rối loạn chuyển hóa, tích mỡ.
Xin ông nói rõ hơn về những tác hại khi lạm dụng dexamethasone?
Ngoài tác dụng không mong muốn là gây rối loạn chuyển hóa dẫn đến tăng cân, dexamethasone còn có một loạt các nguy cơ khác như cao huyết áp, loãng xương, can xi không hấp thu vào xương, dễ gãy xương… Nếu dùng thuốc với liều cao có thể gây rối loạn tâm thần.
Những người bệnh phải sử dụng nhiều dexamethasone cũng bị tăng nguy cơ nhiễm trùng vì nó làm giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể. Dexamethasone cũng là tác nhân gây loét dạ dày tá tràng, có những người chảy máu vì thuốc.
Nói điều này để khẳng định, nếu lợi dụng tác dụng phụ của thuốc để tăng cân thì quá nguy hiểm bởi sau thời gian dùng thuốc, khi cơ thể hết tích nước, tích mỡ, cân nặng sẽ giảm và những nguy cơ thì vẫn tiềm ẩn lâu dài, đe dọa cuộc sống của người bệnh suốt chặng đường sau đó.
Hiện nay tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam còn khá cao, gần 30% trẻ suy dinh dưỡng. Là người mẹ, ai cũng sốt sình sịch khi thấy con cân nặng chưa đạt chuẩn, thua chúng bạn nên tìm đủ mọi cách để con tăng cân mà không ý thức được nguy cơ, hậu quả. Ông có lời khuyên gì cho những bà mẹ có con suy dinh dưỡng, thưa ông?
Qua thực tế khám chữa bệnh tôi nhận thấy, tình trạng trẻ biếng ăn gặp ở trẻ thành phố nhiều hơn trẻ vùng nông thôn. Trước tình trạng biếng ăn của trẻ, phải tìm rõ nguyên nhân mới có thể có những can thiệp.
Hiện trạng biếng ăn do tâm lý xảy ra rất nhiều do các bà mẹ cố ép, nhồi con ăn bằng mọi giá. Lịch ăn dày đặc liên tục khiến trẻ không có cảm giác đói. Xác định được nguyên nhân bác sĩ sẽ hướng dẫn để có những can thiệp hợp lý. Các bà mẹ cần lưu ý, mọi loại thuốc được quảng cáo bổ dưỡng, giàu vitamin, giúp trẻ tăng cân… đều phải sử dụng hợp lý và bản chất của thuốc là không tăng năng lượng nên không thể tăng cân bằng thuốc.
Nguyên nhân trẻ biếng ăn thứ hai hay gặp là do người lớn không biết chế biến thức ăn cho trẻ. Nhiều người chỉ biết xay nhỏ, trộn lẫn rất nhiều thứ (rau hai ba loại, củ quả cũng vài loại, nhiều trường hợp cho cả thuốc nam, í dĩ, hạt bo) hổ lốn khiến trẻ rất sợ ăn.
Nhưng cũng cần lưu ý, qua thực tế thăm khám, nhiều trẻ hoàn toàn không suy dinh dưỡng, chỉ số cân nặng, chiều cao hoàn toàn bình thường nhưng các bà mẹ vẫn một mực kêu con “còi”. Đó là do nhiều bà mẹ mang tâm lý thích con bụ bẫm, so sánh với trẻ bụ bẫm khác nên luôn cảm giác con mình nhỏ bé, còi cọc hơn. Ngoài ra còn có cả nguyên nhân do không hiểu biết, đọc đường cong phát triển dinh dưỡng, soi chỉ số thì quá sợ hãi vì đánh giá sai, tưởng con suy dinh dưỡng, thúc ép cho ăn nhưng thực chất không phải.
Trước một trẻ chán ăn, đầu tiên các mà mẹ cần điều chỉnh về tâm lý, về cách chế biến trước khi nghĩ đến việc dùng thuốc men tác động. Nếu một trẻ chán ăn, phải chú ý không ép ăn, phải có bữa ăn vui vẻ, làm thế nào để kích thích trẻ tự xúc ăn lấy là quan trọng. Bố mẹ không xúc bón cho cháu.
Sau khi điều chỉnh vẫn không hiệu quả thì cũng không tùy tiện dùng các loại thuốc mà cần đưa trẻ đi khám dinh dưỡng để xác định tình trạng dinh dưỡng, bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân gây biếng ăn để có những điều chỉnh kịp thời.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Hải (thực hiện)