Quảng Nam:

Thăm làng hiến máu cứu người

(Dân trí) - Quanh năm chân lấm tay bùn, gắn mình cùng ruộng đồng, nhưng mỗi khi nghe tin có người cần máu cấp cứu là người dân xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) luôn sẵn sàng hiến tặng.

Nhiều năm về trước, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng có một cảnh tượng hiếm thấy: Cả làng đi xe đêm khuya đến hiến máu cứu người. Nhờ những giọt máu nghĩa tình ấy mà bà Nguyễn Thị Nuôi (mắc bệnh ung thư máu) được cấp cứu kịp thời.

Khi ấy bà Nuôi mang nhóm máu AB cần cấp cứu kịp thời, nhưng bệnh viện lại hết nhóm máu này. Tình hình khẩn cấp, gia đình bà vội gọi điện về quê xã Đại Cường để xin hỗ trợ. Vậy là trong đêm khuya, gần 20 người dân tình nguyện ra Đà Nẵng để truyền máu. Tất cả những người đến đều được xét nghiệm nhưng chỉ có ít người có cùng nhóm máu, nhờ những bịch máu kịp thời đó mà bà Nuôi đã qua cơn bạo bệnh.

Toàn xã Đại Cường có 2.300 hộ dân, năm nào cũng hiến hơn 200 đơn vị máu, hầu như mỗi hộ ở đây đều có người từng đi cho máu. Tại 7/9 thôn của xã đã có câu lạc bộ hiến máu tình nguyện. Quảng Đại 1, Quảng Đại 2, Gia Bắc, Ô Gia Nam… những thôn này đều có hơn 40 tình nguyện viên là nông dân đăng ký hiến máu mỗi năm hai lần.

Ngoài ra, bất kể khi nào có người cần máu thì các thành viên đều sẵn sàng hiến tặng. Hai CLB “Ngân hàng máu sống” tại hai thôn Trang Điền và Quảng Đại 2 ước tính có 60 tình nguyện viên, và dự kiến sẽ thành lập thêm một “Ngân hàng máu sống” tại thôn 8.


Làng Quảng Đại 2

Làng Quảng Đại 2

Bà Đỗ Thị Ngọc Thu - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đại Cường nhìn nhận: “Nhiều tình nguyện viên đã không phải chờ tới khi có đợt vận động, mà còn thường xuyên hỏi thăm thông tin để được ghi tên vào danh sách cho máu. Qua 5 năm, chúng tôi đã vận động được hơn 300 đơn vị máu từ những tấm lòng vì cộng đồng này”.

Ông Nguyễn Văn Tám - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Đại Cường - cho biết thêm, trên thực tế, đã có rất nhiều câu chuyện cảm động vì tình người của người dân Đại Cường. Đơn cử như vợ chồng ông Lê Văn Cẩn (thôn Trang Điền), ông Trần Rê (thôn Quảng Đại 2)…

Khi CLB hiến máu thôn Trang Điền ra đời, vợ chồng ông Cẩn bà Diệp vừa là thành viên sáng lập, vừa trực tiếp tham gia hiến máu cứu người tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Hai vợ chồng ông bà mỗi người hiến máu tình nguyện trên 10 lần, có những lần hiến máu cứu sống bệnh nhân khi đang cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng khẩn cấp, máu dự trữ trong bệnh viện đã cạn.

Một đợt tổ chức hiến máu của Đại Lộc (Ảnh do Hội Chữ thập đỏ Đại Lộc cung cấp)
Một đợt tổ chức hiến máu của Đại Lộc (Ảnh do Hội Chữ thập đỏ Đại Lộc cung cấp)

Chuyện bà Diệp hiến máu cứu bà Nguyễn Thị Huệ (hơn 87 tuổi, xã Đại Thắng, Đại Lộc) bị ung thư dạ dày phải phẫu thuật ở Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và cần gấp nhóm máu AB ai cũng biết.

Ngay sau khi nhận tin, ông Cẩn và bà Diệp lập tức dọn hàng và chở xe máy qua bệnh viện. Sau khi làm các xét nghiệm cho bà Diệp, các bác sĩ bảo bà ngồi chờ để theo dõi tình trạng của bệnh nhân Huệ. Chờ đến 11 giờ trưa, bà Huệ vẫn chưa mổ nên vợ chồng ông trở về nhà. Khi vừa về đến nhà thì nhận được điện thoại sức khỏe bà Huệ rất yếu phải phẫu thuật gấp nên ông Cẩn lại tức tốc chở vợ quay lại bệnh viện. Vừa đến bệnh viện là bà Diệp vào hiến máu ngay, nhờ những giọt máu nghĩa tình của bà mà bà Huệ được cứu sống.

Trong thôn Quảng Đại 2, hiện có 5 gia đình tham gia tích cực trong câu lạc bộ hiến máu xã Đại Cường. Phong trào hiến máu nhân đạo lan tỏa khắp các tổ đoàn kết, toàn dân tự nguyện đăng ký tham gia, bởi ngoài việc tuyên truyền vận động, người dân còn chứng kiến những chuyện thực tế xảy ra trên quê hương, mà nếu không được hiến máu kịp thời thì có người trong thôn sẽ chết.

Đó là trường hợp của anh T. (người cùng thôn), bị tai nạn giao thông nặng mất rất nhiều máu. Khi nghe tin, nhiều người dân trong thôn đã đến bệnh viện nơi anh T cấp cứu để cho máu. Nhờ những giọt máu nghĩa tình của bà con quê hương mà anh T tai qua nạn khỏi, khỏe mạnh trở lại.

Có những trường hợp tham gia hiến máu mới biết mình mắc bệnh, nhất là bệnh liên quan đến vi rút viêm gan siêu vi B. Như trường hợp của chị N. sau khi xét nghiệm để hiến máu tình nguyện, các bác sĩ khuyến cáo chị đi kiểm tra vì nghi ung thư gan. Chị N. lập tức đi kiểm tra và phát hiện ung thư gan giai đoạn đầu. Nhờ phát hiện và cứu chữa kịp thời nên chị đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.

Thực tế, công tác hiến máu và vận động hiến máu xã Đại Cường đã mang lại những hiệu quả thiết thực, năm sau luôn cao hơn năm trước, luôn vượt mức đưa ra từ 20-30%. Tiếp tục vận động hiến máu thường xuyên, nhất là những nhóm máu hiếm để cứu giúp được nhiều người hơn nữa”.

Ông Lê Bích Hảo - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Đại Lộc - cho biết: “Một giọt máu trao đi, một cuộc đời ở lại”, hiểu được điều này nên toàn thể cán bộ, nhân dân Đại Lộc luôn sẵn sàng trao đi những giọt máu quý giá để cứu chữa kịp thời cho người cần”.

N.Linh-C.Bính