Tham gia chạy bán marathon, vận động viên 45 tuổi tử vong
(Dân trí) - Theo đó, vận động viên này đã gặp vấn đề sức khỏe khi tham gia cự ly 21 km. Bác sĩ khuyến cáo người dân trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực.
Sự việc đáng tiếc xảy ra trong giải chạy diễn ra ở Quy Nhơn mới đây. Vận động viên T.C.Đ.P. (sinh năm 1977) đã không qua khỏi sau hơn một ngày điều trị tại bệnh viện.
Trước đó, tại giải chạy HCMC Marathon năm 2019 diễn ra vào ngày 13/1 tại TPHCM, nam vận động viên V.V.T. (23 tuổi) cũng bất ngờ ngã gục khi chạy đến km thứ 18. Dù được truyền ép tim, sốc điện và dẫn thuốc để hồi sức ngay lập tức nhưng nam thanh niên đã không qua khỏi.
Gần đây nhất tại Hà Nội, đang chạy marathon với quãng đường 42,195 km, người đàn ông 34 tuổi bỗng ngã gục xuống đường, sau đó thì nôn, co quắp giật chân tay, kích thích, vật vã. Rất may sau đó, anh đã được cấp cứu kịp thời và tỉnh lại sau 2 ngày điều trị tích cực.
PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, có một thực tế là rất nhiều người khi chơi thể thao đã không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó. Điều này có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp. Thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...
Thực tế, khi tham gia các giải chạy nhiều vận động viên nghiệp dư đã bị kiệt sức, không ít trường hợp đã bị kiệt sức, đột quỵ khi cách vạch đích vài trăm mét. Có thể họ chưa từng trải qua khoảng cách lớn như vậy hoặc nếu có tham gia thì họ cũng trải qua trong điều kiện thuận lợi. Việc vận động quá sức, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi dễ làm xuất hiện, bùng phát bệnh lý tim mạch sẵn có.
Bệnh viện Thể thao Việt Nam từng tiếp nhận một số trường hợp bị đột tử trong khi đang đá bóng nghiệp dư, vào viện cấp cứu thì đã ngừng tim, không thể cứu được. Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Cũng có những người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.
Vì thế, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra như trên, trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào, đặc biệt đòi hỏi sức bền người dân đều cần phải kiểm tra thể lực. Chúng ta có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…
Kiểm tra sức khỏe sẽ bao gồm kiểm tra tổng quát và kiểm tra thể lực chuyên sâu. Trong đó kiểm tra chuyên sâu bao gồm các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, các test thể lực, đặc biệt là các test gắng sức, đánh giá sự chịu đựng của hệ thống tim mạch, huyết áp, hô hấp, hệ thống vận động. Nếu các test đánh giá tiệm cận ngưỡng tối đa của cơ thể mà vận động viên qua được thì thi đấu mới an toàn.
Trước mỗi buổi tập cũng cần đánh giá tình trạng thể lực có đảm bảo để tập, thời gian bao nhiêu, lượng vận động bao nhiêu, điều kiện thời tiết có cho phép, trang phục có đảm bảo... Chẳng hạn, thời tiết nóng quá, môi trường không thông khí thì không nên tập vì tập có thể gây cảm nóng, cảm nắng, tích nhiệt dẫn đến sốc nhiệt…
Đồng thời, chuẩn bị nước uống, dinh dưỡng bổ sung trong quá trình luyện tập nếu không sẽ bị kiệt sức, thiếu năng lượng. Khi chạy đường dài, vận động viên mất rất nhiều năng lượng do đó trước khi chạy cần mang theo nước khoáng bù điện giải, nước đường, bánh ăn liền hoặc thực phẩm tiêu hóa nhanh để bổ sung ngay khi cần thiết, tránh bị mất nước, tụt đường huyết…
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý khởi động trước tập, tập xong phải thả lỏng, hồi phục. Nếu thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng, huyết áp tụt… phải đi khám và điều trị kịp thời.