Tay chân miệng: Những điều cần biết

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm Enterovirus gây ra (bao gồm Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71). Đối tượng thường mắc bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi, tuy nhiên bệnh có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn.

Dấu hiệu thường gặp là gì? Bệnh đặc trưng với các triệu chứng: sốt nhẹ, đau họng, bỏ ăn do các vết loét họng. Các hồng ban, mụn nước ở các vị trí đặc biệt: lòng bàn tay, bàn chân, ngoài ra còn có thể gặp ở khuỷu tay, đầu gối và mông. Các hồng ban này thường không ngứa và khi lành không để lại sẹo.

Bệnh có nguy hiểm không?

Bệnh có nguy hiểm không? Đa số bệnh tay chân miệng thường diễn tiến nhẹ, tự hồi phục sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn tới tử vong với các biến chứng viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp với biểu hiện gợi ý: sốt cao liên tục, sốt hơn 2 ngày, giật mình chới với, quấy khóc, thở nhanh, run tay chân, yếu liệt chi.

Bệnh có lây lan không? Virus gây bệnh tay chân miệng có thể tìm thấy trong dịch tiết mũi họng, dịch bóng nước và phân của người bệnh. Virus lây truyền từ người bệnh sang những người khác qua: tiếp xúc như ôm hôn, dùng chung dụng cụ, ho hắt hơi, tiếp xúc với phân (lúc thay tã), dịch bóng nước, đồ vật hoặc mặt phẳng có virus.

Bệnh có thể điều trị được không? Hiện tại chưa có điều trị đặc hiệu. Giảm đau và hạ sốt bằng acetaminophen hoặc ibuprofen và tăng đề kháng cho bé bằng thuốc bổ có chứa Lysine, vitamin và khoáng chất để tăng hệ miễn dịch và tự phục hồi bệnh. Phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ diễn tiến bệnh và khi nghi ngờ có biến chứng cần thông báo cho bác sĩ kịp thời. Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý những việc không nên làm khi trẻ bị bệnh: bôi thuốc xanh hoặc tím lên bóng nước, hạn chế tắm rửa vệ sinh, tiếp tục cho trẻ đi học khi đã phát bệnh.

Bệnh có thể phòng ngừa được không? Dịch tay chân miệng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong những năm gần đây, và hiện tại chưa có vaccine để phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa bằng cách tăng cường vệ sinh cá nhân: rửa tay với xà phòng, tránh tiếp xúc (ôm hôn, dùng chung dụng cụ) với người mắc bệnh; tăng cường sức đề kháng: bổ sung thuốc bổ có chứa vitamin và khoáng chất, uống đủ nước.

Bác sĩ: Trương Hữu Khanh

(Trưởng Khoa Nhiễm bệnh viện NĐ 1)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm