Tất cả ca tử vong do sốt xuất huyết đều ở phía Nam, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Cục liên quan giải quyết khẩn trương việc mua thuốc, dịch truyền cung cấp cho các tỉnh thành phía Nam, nỗ lực giảm số ca sốt xuất huyết tử vong.
Chiều 13/6, tại Viện Pasteur TPHCM đã diễn ra hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam, do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì.
100% ca sốt xuất huyết tử vong đều ở phía Nam
Thông tin tại hội nghị, ThS.BS Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM cho biết, trong năm 2022, khu vực phía Nam hiện chiếm 80% số ca mắc và 100% số ca tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Đến nay qua thống kê, đã có tổng cộng 36 trường hợp tử vong tại bệnh viện và trường hợp nặng xin về.
Số ca mắc và tử vong ở phía Nam cao hơn cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mốc 5 năm về trước. 4 tuần gần đây, số ca mắc mới chiếm 50%, ca tử vong chiếm 45% tổng số trường hợp tích lũy từ đầu năm. Có 11 địa phương vượt con số trung bình 50 ca mắc/100.000 dân. Trong đó, nhiều tỉnh đã vượt 100 ca mắc/100.000 dân chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm (thay vì cả năm như cùng kỳ các năm trước).
Về độ tuổi, số tử vong ở trẻ em hiện nhỉnh hơn so với người lớn. Trong khi đó ở các năm trước, đặc thù số tử vong tuyệt đối của bệnh nhân lớn luôn cao hơn nhóm tuổi nhỏ.
Qua giám sát, nhìn chung type virus Dengue 1 hiện chiếm ưu thế hẳn, chỉ có 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh lại chủ yếu lưu hành type virus Dengue 2.
ThS.BS Lương Chấn Quang cho biết, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh thành gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các địa phương không triển khai được công tác kiểm soát véc-tơ truyền bệnh. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu thốn kinh phí, thiếu hóa chất, máy phun không đủ....
Về kỹ thuật, nhân sự mới chưa được huấn luyện, thiếu kiểm tra giám sát, khó đảm bảo duy trì sinh phẩm chẩn đoán. Về công tác điều trị, nhiều nơi thiếu dịch truyền cao phân tử, bác sĩ điều dưỡng thiếu kinh nghiệm. Một khó khăn khác là việc nhiều người dân khi nhiễm sốt xuất huyết thường đến cơ sở y tế tư nhân, đến khi tình trạng chuyển nặng mới chuyển qua bệnh viện công.
Với tình hình trên, Viện Pasteur TPHCM dự đoán thời gian tới, dịch sốt xuất huyết sẽ có xu hướng tăng nhanh số ca mắc và tiếp tục tăng số ca tử vong nếu không có các biện pháp kịp thời.
Do đó, Viện đề xuất phải có nhiều giải pháp xử lý. Trong đó, tăng cường chỉ đạo từ các cấp, tháo gỡ vướng mắc từ mức chi, về mua sắm, cung ứng trang thiết bị điều trị.
Viện Pasteur TPHCM kiến nghị Bộ Y tế cho phép thành lập Ban Chuyên môn kỹ thuật phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam, phê duyệt kinh phí phòng chống dịch của Viện để có cơ sở tổ chức triển khai các hoạt động và mua sắm. Ngoài ra, cần cấp kinh phí cho các bệnh viện tuyến cuối để có thể thực hiện chỉ đạo tuyến, huấn luyện cho khu vực phía Nam.
Giải quyết khẩn trương thuốc, dịch truyền cho các tỉnh thành
Sau khi nghe báo cáo từ Viện Pasteur TPHCM và các địa phương, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ không thể đấu thầu thay các tỉnh thành để mua hóa chất cho các cơ sở y tế. Các địa phương cần phải chủ động trong việc này.
Đối với công tác tăng cường giám sát nhằm giảm số ca mắc sốt xuất huyết, Thứ trưởng Bộ Y tế đồng ý thành lập Ban chuyên môn kỹ thuật phòng chống Sốt xuất huyết khu vực phía Nam. Cục Y tế dự phòng sẽ làm việc với Viện Pasteur TPHCM về việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế, để có những hướng dẫn cụ thể.
Với công tác giảm số ca tử vong, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý dược giải quyết khẩn trương việc mua thuốc, dịch truyền cung cấp cho các tỉnh thành; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tăng cường đào tạo công tác điều trị cho các bệnh viện tuyến trung ương. Ngoài ra, đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân và cơ sở y tế khác.
Về nguồn kinh phí chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, vì chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết không còn, nên hiện nay kinh phí do Trung ương cấp về địa phương để tự cân đối.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Y tế dự phòng làm đầu mối, phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính để xem xét tham mưu cho lãnh đạo Bộ hỗ trợ các bệnh viện tuyến cuối và địa phương.